ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đường bộ

BBK - Sáng 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Đoàn Bắc Kạn tham gia phát biểu thảo luận.

7a0.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận góp ý đối với dự thảo Luật Đường bộ.

Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ trước khi tiến hành thảo luận.

Dự thảo Luật Đường bộ đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ này có 86 điều, giảm 06 điều so với dự thảo Chính phủ đã trình; chỉnh sửa 82 điều, bỏ 07 điều; đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí của 03 điều.

Về cơ bản các đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Luật đã được tiếp thu, giải trình; bên cạnh đó một số nội dung được đại biểu quan tâm có ý kiến. Quan tâm đến dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đề nghị:

Tại Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Huế đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: “Lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật”, vì thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí của các phương tiện tham gia giao thông, nhất là khi xảy ra tình trạng sạt lở trên đường, gây tắc nghẽn cục bộ.

Bên cạnh đó, hiện nay, tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định. Do đó, việc bổ sung hành vi này trong dự thảo Luật là phù hợp.

Tại Điều 16 về sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ, theo quy định tại khoản 2, khoản 3: Đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và đáp ứng các quy định về bảo đảm an toàn công trình đường bộ và công trình khác trong hành lang an toàn đường bộ; không che lấp báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tuân thủ các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường và các quy định khác của pháp luật.

Thực tiễn quản lý đất hành lang an toàn đường bộ đối với đất chưa thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai năm 2024 thì khi xây dựng công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ.

Để thuận lợi, rõ ràng và minh bạch trong quá trình áp dụng, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị nghiên cứu, bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật phạm vi người sử dụng được thực hiện hay không được thực hiện liên quan đến hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi đất.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị xem xét nghiên cứu điều chỉnh một số quy định của dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, cụ thể như:

Chương IV dự thảo Luật Đường bộ quy định về tổ chức vận tải đường bộ, trong đó có các quy định liên quan đến vận tải hành khách bằng xe ô tô (từ Điều 57 đến Điều 60), vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (từ Điều 61 đến Điều 64), vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (Điều 65), vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ (Điều 66), hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô (Điều 70).

Tuy nhiên, đối chiếu với Chương III dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về phương tiện giao thông đường bộ cho thấy cũng có những nội dung liên quan như: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô vận chuyển hành khách (Điều 45), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non (Điều 46), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ (Điều 47), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa (Điều 48), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa (Điều 49).

Theo đó, tại nhiều Điều trong dự thảo Luật Đường bộ có quy định nội dung dẫn chiếu đến việc thực hiện của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, như: khoản 2 Điều 57 quy định: “Việc vận tải hành khách bằng xe ô tô phải thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật này và thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”; khoản 6 Điều 59 quy định quyền và nghĩa vụ của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách: “Thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan”;

Khoản 3 Điều 61 quy định: “Việc vận tải hàng hoá bằng xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật này, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan”; khoản 2 Điều 63: “Người lái xe vận tải hàng hoá bằng xe ô tô có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan”; khoản 1 Điều 65: “Tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa phải thực hiện quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”; khoản 1 Điều 66: “Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để kinh doanh vận tải phải thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị xem xét, nghiên cứu chuyển nội dung quy định về tổ chức vận tải đường bộ sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi cho công tác quản lý, tuyên truyền, tìm hiểu và chấp hành pháp luật, nhất là của người dân và các đơn vị, tổ chức liên quan. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật Đường bộ về giải thích “Hoạt động đường bộ”, đề nghị bỏ nội dung “vận tải đường bộ”.

Về cơ sở dữ liệu đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị chuyển nội dung quy định: “Cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải bằng xe ô tô” tại điểm đ khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật Đường bộ sang Điều 8 về cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, thuận lợi khi xây dựng cơ sở dữ liệu.

Theo chương trình, dự thảo Luật Đường bộ sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in