Phó Thủ tướng giải trình lý do đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, thuốc lá, điều hòa nhiệt độ...

BBK - Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 27/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

pct-hai-chieu-2711.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Cơ bản các đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về những nội dung cần sửa đổi của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu một số nội dung cho phù hợp hơn như: Đối với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đại biểu đề xuất nên có một danh mục cụ thể liệt kê các loại đồ uống có đường cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục này có thể do Chính phủ điều chỉnh theo từng thời kỳ; Về quy định giao Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, đề nghị cần phải cân nhắc. Việc bổ sung một đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, và đặc biệt là việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp liên quan.

Liên quan đến việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không nên áp dụng. Bởi đây là sản phẩm giúp người dân có được điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là cho sức khỏe của người già và trẻ em. Về thuế suất, lộ trình và mức tăng thuế, cần căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng, nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng. Nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược, như sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách nhà nước…

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết “Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, vì vậy thuế tiêu thụ đặc biệt không đánh ở khâu lưu thông mà đánh ở khâu người sản xuất bán hàng hoặc nhập khẩu sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt không hoàn thuế giá trị gia tăng. Xe không thiết kế là xe chuyên dụng thì không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong quá trình các loại xe khác mà cải tiến thành xe chuyên dụng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế. Đối với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%. Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế điều hòa cũng nhằm hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, và các chất gây hại cho tầng ozon…

Trong phiên làm việc buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Báo cáo thẩm tra về nội dung này./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in