Đấu tranh, ngăn chặn việc phát tán thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

Những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, gây hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Hệ lụy của những thông tin xấu, độc ảnh hưởng lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội...

Những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, gây hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Hệ lụy của những thông tin xấu, độc ảnh hưởng lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội...

Công an tỉnh Bắc Kạn triệu tập, làm việc với P.Q.T.
Công an tỉnh Bắc Kạn triệu tập, làm việc với P.Q.T.

Đầu năm 2020, khi cả nước, cả thế giới đang cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virut Corona gây ra, thì tại tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện một số người đăng tải những thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh lên mạng xã hội, khiến nhiều người lo lắng, hoang mang, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Ngày 08/2/2020, Công an tỉnh Bắc Kạn đã làm việc với P.Q.T, trú tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, T. là quản trị viên 1 trang fanpage tại Bắc Kạn. Ngày 31/1/2020, T. đã đăng tải bài viết trên trang với nội dung: “Em nghe nói mai Chính phủ sẽ phun thuốc phòng ngừa vi rút corona bằng máy bay từ 4 - 7h30 sáng, thì trường mình có cho học sinh đi học muộn được không, tự họ khuyến cáo không nên ra ngoài vào thời điểm đấy”. Tại cơ quan công an, T. cho biết thông tin này được lấy từ một người gửi thông qua đường liên kết mà T. tạo và thời điểm T. đăng tải bài viết hoàn toàn không nắm được nội dung được gửi đến là thật hay giả, dù chưa tìm hiểu kỹ nhưng T. vẫn đăng tải thông tin lên trang. Sau đó, nhận thấy của thông tin mình đã đăng sai sự thật, vi phạm pháp luật, T đã gỡ bỏ bài viết.

Trước đó, ngày 04/2/2020, Công an tỉnh đã triệu tập H.T.K, sinh năm 2004, trú tại thôn Nà Dì, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn để làm rõ việc đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch viêm phổi cấp do chủng mới vi rút Corona. Cuối tháng 01/2020, anh K. đã đăng dòng trạng thái trên trang cá nhân của mình với nội dung: “Cả nhà nhắc người thân nếu phải ra đường ngày mai - virut corona đã chính thức đến Bắc Kạn. Mọi người nhớ đeo khẩu trang và kính cẩn thận nhé”. 1 thông tin hoàn toàn không đúng sự thật nhưng đã thu hút nhiều lượt comment và biểu lộ cảm xúc, gây hoang mang trong dư luận, khi dịch bệnh này đang có những diễn biến phức tạp. Anh H.T.K cho biết: “Đăng thông tin không đúng sự thật là việc làm sai trái, mong không ai bị như tôi nữa, mọi người cần sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả và đúng sự thật”.

Trong các ngày từ 31/1 đến 12/2/2020, Công an tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện 8 trường hợp đăng tải thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Qua đó đã triệu tập và có hình thức xử lý đối với 8 trường hợp, giáo dục, nhắc nhở yêu cầu tất cả các cá nhân này gỡ bỏ những thông tin sai lệch, không đúng sự thật và cam kết không tái phạm. Những trường hợp này không chỉ có người dân tộc thiểu số mà còn có học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên… Để nâng cao tinh thần cảnh giác với thông tin xấu, độc khi sử dụng mạng xã hội, quần chúng nhân dân, nhất là cán bộ, học sinh, sinh viên cần chú ý nâng cao kiến thức xã hội, xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, kiểm chứng, tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, chính xác từ những nguồn tin chính thống.

Theo quy định của pháp luật, việc đăng tải thông tin sai sự thật  trên mạng xã hội có thể bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân, nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự với mức phạt lên tới 3 năm tù, vì vậy mỗi cá nhân hãy tỉnh táo khi tiếp nhận và đăng tải những thông tin trên không gian mạng.

Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng gây ra nhiều vấn đề nhức nhối, nhất là tính chân thực của thông tin từ việc đơn giản như mua hàng trên mạng cho đến những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền riêng tư của cá nhân. Đã có không ít vụ việc kẻ xấu lợi dụng internet, mạng xã hội vì những mục tiêu không tốt, như: Đưa thông tin giật gân, câu view, câu like và thậm chí là làm giảm uy tín của những người thi hành công vụ. Cụ thể, ngày 12/1/2020 tại tổ 1 phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông, 2 học sinh Trường THPT Bắc Kạn điều khiển xe máy tự gây tai nạn, hậu quả 1 người chết và 1 người bị thương. Trước những thông tin trên mạng xã hội cho rằng 2 em này bị tai nạn là do bị Tổ tuần tra kiểm soát Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh truy đuổi do vi phạm. Đây là thông tin không chính xác. Tháng 6 /2019, Đinh Quang Sơn, trú tại phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn khi tham gia giao thông đã vi phạm các lỗi không mang theo giấy phép lái xe, đăng ký xe, không có chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, khi bị lực lượng chức năng lập biên bản, Sơn không hợp tác mà đã quay video clip quá trình làm nhiệm vụ của lực lượng chức năng và đưa clip lên mạng xã hội facebook gây dư luận nhiều chiều.

Cũng trong tháng 1/2020, khi vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội trở thành điểm nóng, thì tại Bắc Kạn có người đã cho đăng trên facebook cá nhân của mình bài viết trong đó có nội dung nhạy cảm, cổ súy cho các đối tượng chống đối, vi phạm pháp luật, cho rằng vụ việc xảy ra là do chính quyền, cán bộ thực thi công vụ… Đây là sự nhận thức lệch lạc, thiếu tinh thần xây dựng của một số đối tượng lợi dụng các vấn đề đang nổi lên để tạo dư luận, nhìn nhận tiêu cực về xã hội, thậm chí là chống đối chế độ. Đó là biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức cần bị lên án, xử lý. Trung tá Đào Thị Thu Hồng- Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Bắc Kạn cho rằng: “Luật An ninh mạng ra đời quy định rất cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Đây là căn cứ quan trọng để chúng tôi xử lý các trường hợp vi phạm”.

Trong những năm gần đây, tại Bắc Kạn liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến hoạt động của tội phạm công nghệ cao như lừa đảo qua mạng xã hội, qua tin nhắn… Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận xử lý một số vụ lừa đảo bằng hình thức nhắn tin trúng thưởng, người nhận được tin nhắn nhẹ dạ làm theo và mất tiền. Một số đối tượng giả mạo tài khoản mạng xã hội Zalo của người khác sau đó nhắn tin đến bạn bè người thân của tài khoản để nhờ chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt; làm quen trên mạng sau đó tặng quà và yêu cầu người nhận thanh toán một phần tiền, hoặc giả danh cán bộ công an để đe dọa chuyển tiền vì liên quan đến các vụ án lớn, sau đó chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ, cả tin….

Tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng ngày càng gia tăng, có lúc, có nơi lấn át thông tin báo chí. Cuộc đấu tranh chống lại thông tin xuyên tạc và xấu độc là sứ mệnh mới của báo chí. Vì thế, báo chí cần khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng, phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình: Chính xác, chính thống, kịp thời.../.

Ngọc Ánh

Xem thêm

Video

Đọc báo in