Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện vùng dân tộc thiểu số, từng bước rút ngắn khoảng cách cả về đời sống kinh tế lẫn tinh thần giữa các dân tộc trên địa bàn.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có 07 dân tộc chính cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 88%. Thực hiện các chính sách dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, tập trung đầu tư vào vùng đồng bào DTTS, góp phần đưa kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt từng bước hoàn thiện.

Đường sản xuất được quan tâm xây dựng ở các xã vùng cao.
Đường sản xuất được quan tâm xây dựng ở các xã vùng cao.

Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; 76,95% đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa; nhiều tuyến đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm được đầu tư cứng hóa, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương thuận tiện. Hầu hết các xã có trường mầm non, trường tiểu học; 100% các huyện, thành phố có trường THPT và hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. Hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư với 01 Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 500 giường bệnh và 08 bệnh viện tuyến huyện; 108 xã, phường, thị trấn có trạm y tế hoạt động. 100% xã có điểm bưu điện văn hóa, thư viện xã. Hệ thống thủy lợi của tỉnh được đầu tư xây dựng và củng cố với 86% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động. 100% số xã có điện lưới quốc gia, 97,28% hộ dân được sử dụng điện; 90% dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và trên 98,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Đại đa số đồng bào được nghe đài phát thanh, truyền hình của địa phương, hệ thống mạng lưới viễn thông phủ khắp toàn tỉnh. Đồng bào các DTTS được hỗ trợ, hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách… Từ đó, đời sống về vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 41,8 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm dần qua các năm. Năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 26,93%; các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển.

Trình độ dân trí được nâng lên, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường được duy trì ở mức cao. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, người dân thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí. Đến nay, trên 96% người dân trên địa bàn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ.

Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao từng bước được nâng cao về trình độ, năng lực. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm, chú trọng và phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, những năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá. Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng... đã tạo điều kiện trực tiếp cho các đồng bào DTTS vươn lên, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo.

Bên cạnh đó, việc phát triển vùng dân tộc miền núi còn rất nhiều khó khăn. Một số chính sách không đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ; kinh tế - xã hội trong vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển và chưa đồng đều; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; một số người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.

Đồng bào Dao tham gia HTX nông nghiệp Tân Thành đã sản xuất được tinh bột nghệ cao cấp xuất khẩu.
Đồng bào Dao tham gia HTX nông nghiệp Tân Thành đã sản xuất được tinh bột nghệ cao cấp xuất khẩu.

Mặc dù tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS, tuy nhiên do quỹ đất hạn chế nên hiện nay tình trạng hộ thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn nhiều. Năm 2022, thực hiện Chương trình MTQG, tỉnh đã triển khai rà soát có 290 hộ có nhu cầu hỗ trợ về đất ở, 745 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất để làm cơ sở hỗ trợ cho đồng bào…

Để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Theo đó, năm 2022 đầu tư hơn 495 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng DTTS. Cụ thể, tập trung vào mở các tuyến đường lâm nghiệp; xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung; phát triển đa dạng hàng hóa nông sản,…nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng khó. Đồng thời làm tốt công tác định canh, định cư; quy hoạch, sắp xếp khu dân cư hợp lý để người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, phát triển giáo dục, đào tạo việc làm, y tế, văn hóa; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; bảo vệ, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS./.

Phan Quý

Xem thêm

Video

Đọc báo in