Chương trình này được Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Tổng hội Y học Việt Nam), phối hợp với ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện từ tháng 5/2024, tại 08 trường mầm non trên địa bàn huyện Chợ Mới và Bạch Thông. Để triển khai chương trình, ngành chức năng đã tổ chức cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ, xét nghiệm máu, xét nghiệm thiếu vi chất dinh dưỡng và phỏng vấn phụ huynh cho 1.032/1.089 trẻ tại 08 trường mầm non và đã lựa chọn 300 trẻ suy dinh dưỡng thấp còi từ 2-5 tuổi tham gia nghiên cứu.
Trong thời gian triển khai chương trình, trẻ suy dinh dưỡng thấp còi được uống sữa liên tục trong thời gian 4 tháng, với số lượng là 2 hộp 180ml/ngày, chia làm 2 lần, sáng 01 hộp (bữa phụ sáng), chiều 01 hộp (bữa phụ chiều). Đối với thời gian trẻ học tại trường, các cô giáo phụ trách tại lớp kiểm soát việc uống sữa thông qua cho các trẻ có tên trong danh sách tham gia chương trình uống sữa tại phòng riêng.
Tình hình uống sữa của trẻ được ghi lại vào sổ theo dõi tại trường. Trong quá trình uống sữa của trẻ, bất cứ dấu hiệu bất thường nào đều được giáo viên phụ trách và cán bộ phụ trách chương trình của Viện Y học ứng dụng Việt Nam nắm được. Các trường hợp này được báo cáo để có phương án xử lý nhanh chóng, phù hợp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quân Hà (Bạch Thông) cho biết: "Trường Mầm non Quân Hà có 48 cháu được sử dụng sản phẩm sữa, trong quá trình thực hiện các phụ huynh phối hợp rất tốt và có giám sát, phát sữa đầy đủ theo đúng quy định, được theo dõi biểu đồ tăng trưởng của nhân viên y tế nhà trường, kết quả là các cháu đều có sức khoẻ tốt và đều tăng cân".
Chị Hoàng Thị Tuyết ở xã Nguyên Phúc (Bạch Thông) chia sẻ: Con tôi bị suy dinh dưỡng, nhưng sau khi sử dụng loại sữa này cân nặng và chiều cao của cháu đều tăng, đồng thời ngủ sâu giấc, ăn ngon hơn. Tôi mong muốn chương trình tiếp tục hỗ trợ cho các bé được uống loại sữa này".
Vấn đề dinh dưỡng là khâu then chốt trong phát triển thể chất của trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi mầm non. Theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ em thấp còi ở miền núi phía Bắc đang có xu hướng gia tăng, để cho các trẻ đủ thể chất học tập, trước bối cảnh đó, Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức đề tài nghiên cứu về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ mầm non từ 2-4 tuổi, đánh giá được thể thấp còi trẻ em và can thiệp về mặt dinh dưỡng bằng cách cung cấp sữa và sau đó đánh giá hiệu quả can thiệp.
Sau 4 tháng, trẻ em được uống sữa miễn phí, theo dõi sức khỏe định kỳ và tham gia chương trình, xét nghiệm vi chất 02 lần, bước đầu đã mang lại những kết quả rõ rệt. Qua đánh giá kết quả sơ bộ cho thấy, các trẻ suy dinh dưỡng thấp còi có sự cải thiện rõ rệt về cân nặng và có sự thay đổi tích cực về chiều cao. Tình trạng biếng ăn, tiêu hoá và miễn dịch của trẻ cũng có sự thay đổi tích cực. Cụ thể, sau 02 tháng, chiều cao của trẻ tăng trung bình 1,16-1,2cm; cân nặng của trẻ tăng trung bình 0,42-0,77kg. Tỷ lệ trẻ biếng ăn giảm 14,96%; tỷ lệ trẻ có bữa ăn trên 30 phút giảm 19,05%; tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy giảm 2,74%; tỷ lệ trẻ bị táo bón giảm 7,52%.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: "Tôi đánh giá đây là chương trình thành công và từ kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho Tổng hội Y học Việt Nam để có báo cáo tổng kết, đề xuất giải pháp trình lên cấp trên để có những chính sách áp dụng vấn đề dinh dưỡng cho các cháu mầm non, cố gắng đẩy lùi tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em đặc biệt là lứa tuổi mầm non trên địa bàn tỉnh".
Chương trình, đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, nhằm giúp trẻ có cơ hội được tiếp cận các sản phẩm dinh dưỡng, tăng trưởng chiều cao, góp phần giúp các em có một tương lai khoẻ mạnh hơn./.