Cảnh giác trước những thông tin xấu, độc về thực hiện nghĩa vụ quân sự

BBK - Mỗi khi đến dịp tuyển quân hoặc giao nhận tân binh lên đường nhập ngũ, trên mạng xã hội thường xuất hiện những bài viết, bình luận mang tính xuyên tạc về nghĩa vụ cao cả của công dân đối với Tổ quốc.
Khám tuyển nghĩa vụ quân sự cho công dân.

Khám tuyển nghĩa vụ quân sự cho công dân.

Xuyên tạc về nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc

Bên cạnh nhiều bài viết, bình luận tích cực như tôn vinh hình ảnh đẹp của người thanh niên khi bước vào quân ngũ; truyền đạt những kinh nghiệm để chuẩn bị hành trang trước khi lên đường; chia sẻ những bức ảnh về khí thế tòng quân với những nụ cười rạng rỡ hoặc giọt nước mắt xúc động… Rất tiếc rằng có cả những bài viết tiêu cực.

Đó là những nội dung bày cách xăm trổ lên cơ thể, giả bệnh, tìm cách “chạy chọt”, chuyển đi nơi khác làm ăn… để không phải vào danh sách gọi khám tuyển. Có những bài viết lại cho rằng vào quân ngũ là bước vào một môi trường quá sức khắc nghiệt, mất hoàn toàn tự do; lính mới bị lính cũ đánh đập, bắt nạt; hoặc các vụ việc bị tung tin đồn là bạo lực trong quân đội gây hậu quả rồi bị giấu nhẹm…Thậm chí, trên mạng internet còn có thông tin từ trang web của một số công ty luật, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để tư vấn, bày cách "lách luật" nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Các đối tượng xấu, những kẻ cơ hội chính trị hoặc có khi là người dân thiếu hiểu biết về chính trị hùa theo, chia sẻ và bình luận vào các bài đăng có hình ảnh chế nhạo, xuyên tạc, làm méo mó hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những nội dung này vô hình trung làm lung lay lòng tin của thanh niên, gây tổn hại đến mối liên kết gắn bó giữa hậu phương và quân đội. Những luận điệu xuyên tạc này, nếu không được nhận diện, đấu tranh dẹp bỏ sẽ gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân.

  • Theo Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về nhập ngũ như sau: Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
  • Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; phạm tội trong thời chiến; lôi kéo người khác phạm tội.

Nhập ngũ để trưởng thành hơn

Cùng đi với cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) và thiếu úy Hồ Văn Mạnh, cán bộ làm công tác tuyển quân của Lữ đoàn 144- Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi có mặt tại nhà ông Đỗ Văn Vượng, tổ 12, phường Sông Cầu.

Cán bộ làm công tác tuyển quân của Lữ đoàn 144, Bộ Tổng tham mưu thâm nhập “3 gặp, 4 biết” tại gia đình có thanh niên trong diện gọi nhập ngũ năm 2024.

Cán bộ làm công tác tuyển quân của Lữ đoàn 144, Bộ Tổng tham mưu thâm nhập “3 gặp, 4 biết” tại gia đình có thanh niên trong diện gọi nhập ngũ năm 2024.

Mùa tuyển quân 2024, gia đình ông Vượng có con trai là anh Đỗ Quốc Việt có nguyện vọng lên đường nhập ngũ. Sau khi thực hiện các nội dung thâm nhập “3 gặp, 4 biết” (gặp công dân, gặp gia đình, gặp địa phương và biết sức khỏe, biết văn hóa, biết lai lịch, biết phẩm chất đạo đức), cuộc trò chuyện đã diễn ra thân mật với sự tham dự của đại diện gia đình, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố và bí thư Đoàn Thanh niên.

Anh Đỗ Quốc Việt thổ lộ: Nhà chỉ có hai anh em, bố mẹ làm lao động tự do. Sau khi học xong lớp 12, nhiều bạn bè cùng trang lứa tiếp tục học đại học hoặc đi học nghề. Riêng Việt thì ấp ủ ước muốn đi bộ đội. Trầm tĩnh và ít nói, chàng thanh niên cho biết thích vào quân ngũ để rèn luyện bản thân, đồng thời sẽ phấn đấu để được đi học, mong có cơ hội phục vụ lâu dài trong quân đội. Việt cũng cho biết, đã tìm hiểu và hỏi những người quen từng nhập ngũ và biết, nếu chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội thì cuộc sống quân ngũ không có gì là “đáng sợ” như cộng đồng mạng vẫn đồn thổi…

Chia sẻ về công việc tuyển quân, thiếu úy Hồ Văn Mạnh cho biết: Các thanh niên nhập ngũ vào đơn vị sẽ được rèn luyện tác phong, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm trong công việc, trong sinh hoạt, trong tập thể… Lấy tập thể để rèn cá nhân, mỗi tân binh trước khi làm một việc gì đều phải suy nghĩ việc làm của mình có ảnh hưởng đến đồng chí đồng đội khác hay không? Từ đó mỗi quân nhân đều trưởng thành, suy nghĩ và hành động chín chắn hơn.

Mỗi đơn vị đều có nhiều biện pháp để duy trì nền nếp, tăng cường tình đoàn kết. Ví dụ như phân công cán bộ trung đội, tiểu đội hoặc tổ trưởng của các tổ 3 người. Nếu có các biểu hiện xích mích bằng lời nói thì đều được báo cáo lại để quán triệt, giáo dục, giải quyết tháo gỡ khúc mắc ngay, không để xảy ra mất đoàn kết trong đơn vị. Các hành vi sử dụng bạo lực sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định…

Đấu tranh với thông tin xấu - độc

Đối với tỉnh Bắc Kạn, những năm qua, công tác tuyên truyền, thực hiện công tác tuyển quân luôn được các cấp, ngành, Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị, địa phương quan tâm.

Trung tá Nguyễn Văn Sâm, Trợ lý Tuyển quân, Ban Quân lực, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Mùa tuyển quân 2024, tỉnh được giao chỉ tiêu tuyển 937 công dân nhập ngũ, cao hơn năm 2023, trong đó nghĩa vụ quân sự là 750 chỉ tiêu, còn lại là nghĩa vụ Công an nhân dân. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm gần đây có ngày càng nhiều thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ (năm 2021 có 32 trường hợp, năm 2022 có 27 trường hợp, năm 2023 có 59 trường hợp). Trong số thanh niên nhập ngũ nhiều người có trình độ cao đẳng, đại học, đã có vợ con, là con cán bộ, là người dân tộc thiểu số, phần lớn là đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiều trường hợp đã được học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng… Có những trường hợp còn thiếu tháng nhưng cũng tha thiết xung phong lên đường nhập ngũ. Điều đó minh chứng cho nhận thức đúng đắn của thanh niên về nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, để phát huy những kết quả tích cực trên, việc đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, đùa cợt về tham gia nghĩa vụ quân sự vẫn cần được nhìn nhận nghiêm túc. Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi công dân. Lên đường làm nghĩa vụ quân sự không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà trên hết đó còn là niềm tự hào của tuổi trẻ và trách nhiệm của thanh niên Việt Nam để góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Được sống trong hòa bình, độc lập, tự do…nếu ai cũng nghe theo luận điệu xấu rồi dao động, thoái thác, trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì lấy đâu lực lượng để bảo vệ Tổ quốc? Ai sẽ viết tiếp những trang sử truyền thống vẻ vang của dân tộc? Do đó, mỗi cán bộ và người dân, đặc biệt là thanh niên cần nhìn nhận rõ đúng, sai, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái trên mạng xã hội về tham gia nghĩa vụ quân sự./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in