Cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo qua mạng

BBK - Thời gian qua, xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội với số tiền thiệt hại lớn. Các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, khiến nhiều người "sập bẫy".
Ông N.V.T trú tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn suýt bị lừa 50 triệu đồng bởi kẻ giả danh Công an, gọi điện điều tra vụ án ma túy.

Ông N.V.T trú tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn suýt bị lừa 50 triệu đồng bởi kẻ giả danh Công an, gọi điện điều tra vụ án ma túy.

Mặc dù Công an TP. Bắc Kạn đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tội phạm thông qua nhiều hình thức… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. "Các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, do vậy số tiền người dân bị lừa đảo có thể từ vài triệu đồng cho tới tiền tỷ" - Đại úy Nguyễn Xuân Tuệ, Phó đội trưởng Đội Hình sự, Công an thành phố Bắc Kạn đánh giá.

Gần đây nhất, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng lên mạng xã hội để mua hàng hóa, chúng thường chuyển tiền đặt cọc, sau khi tạo được lòng tin, người bán gửi hàng thì bị chiếm đoạt rồi chặn liên lạc. Tháng 01/2023, anh N.V.L trú tại phường Xuất Hóa bị lừa 6 triệu đồng bằng thủ đoạn này. Lắt léo hơn, có trường hợp đối tượng gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua mạng xã hội để đặt nhà hàng làm cơm tiếp khách. Sau khi đặt cọc một phần tiền, chúng yêu cầu nhà hàng phải nhập đúng loại thực phẩm đặc biệt theo địa chỉ liên hệ nhất định. Quá trình mua loại thực phẩm đó, nhà hàng phải đặt cọc và bị lừa mất số tiền lớn.

Trong nửa cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn có nhiều người dân bị lừa đảo qua mạng internet. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2022 đã xảy ra 03 vụ, gây thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng. Điển hình như, qua mạng xã hội Facebook, một người có tên tài khoản là Favour Nasa kết bạn làm quen với chị V.T.L, trú tại phường Phùng Chí Kiên. Sau khi nhắn tin trò chuyện, đối tượng nhờ chị L làm trung gian nhận một thùng hàng giá trị cao gửi về Việt Nam... Ngay sau khi chị L đồng ý, đối tượng giả nhân viên công ty giao hàng, hải quan gọi điện thoại cho chị L yêu cầu nộp tiền vận chuyển, thuế hải quan và tiền phạt vào một số tài khoản tại Việt Nam vì soi chiếu thấy có tiền, vàng, trang sức trong gói hàng. Chị L đã chuyển khoản 07 lần với tổng số tiền 488 triệu đồng và bị các đối tượng chiếm đoạt.

Cuối tháng 7/2022, chị T.T.X trú tại phường Phùng Chí Kiên vào mạng xã hội Facebook, truy cập trang quảng cáo tìm việc làm rồi nhấn vào link đăng ký tham gia, công việc là thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền. Để chiếm được lòng tin, lần đầu chuyển 3 triệu đồng, chị X nhận về 3 triệu đồng tiền gốc và 600.000 đồng tiền thưởng. Lần kế tiếp, nhiệm vụ yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn. Lúc này đối tượng liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chị X chuyển thêm tiền như: Thực hiện sai lệnh, hệ thống báo lỗi, yêu cầu nộp thuế... Vì muốn lấy lại số tiền ban đầu, chị X đã chuyển tổng cộng 09 lần tới nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đến khi nhận ra bị lừa thì số tiền này đã bị các đối tượng chiếm đoạt.

Tương tự thủ đoạn trên, qua mạng xã hội Facebook, chị Đ.T.H.T trú tại phường Phùng Chí Kiên truy cập vào tài khoản tên “Shoppe Sales” đăng ký làm cộng tác viên bán hàng. Nhiệm vụ là đăng nhập vào các link để mua sản phẩm, sau đó được hoàn tiền lại và được hưởng thêm 10% hoa hồng/sản phẩm. Bốn nhiệm vụ đầu, chị T được nhận tiền gốc và hoa hồng. Đến khi hoàn thành nhiệm vụ thứ 5 thì không thấy được chuyển tiền, tư vấn viên thông báo nếu hoàn thành xong nốt các nhiệm vụ hệ thống sẽ tất toán. Chị T. đã thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ và bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 55 triệu đồng.

Ông N.V.T trú tại phường Sông Cầu lại bị một đối tượng gọi điện thoại, giả danh là cán bộ Công an đang điều tra án ma túy. Đối tượng nói ông có liên quan và yêu cầu chuyển 50 triệu đồng vào một tài khoản của chúng, sau khi "điều tra" xong nếu không liên quan sẽ trả lại. Trước khi đem tiền ra ngân hàng để gửi đi, ông T đã trình báo cơ quan Công an. Được cán bộ Công an thành phố Bắc Kạn giải thích, ông T đã kịp thời tỉnh ngộ, may mắn không mất tiền.

Nhiều người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, ham kiếm tiền một cách dễ dàng nên trở thành "mồi ngon" cho tội phạm trên không gian mạng. Thậm chí, có trường hợp là cán bộ nhà nước, cán bộ cơ quan thực thi pháp luật… cũng bị lừa qua mạng. Còn nhiều vụ việc bị hại không khai báo do lo ngại người nhà trách móc hoặc sợ bị mất thể diện. Loại tội phạm này thường sử dụng sim rác, tài khoản ngân hàng không đúng danh tính, số tiền lừa đảo thường bị chia lẻ, chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác, thậm chí chuyển ra nước ngoài… khiến quá trình điều tra rất khó khăn. Do vậy, việc tuyên truyền, đấu tranh với tội phạm sử dụng không gian mạng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Người dân hãy thật tỉnh táo và cẩn trọng khi mua bán, giao dịch qua không gian mạng để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in