Lại rộ cuộc gọi điện thoại thông báo trúng thưởng, khóa thuê bao để lừa đảo
Chị Nguyễn Thị T, ở phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) phản ánh mới nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0936242xxx thông báo trúng thưởng nhiều bộ sản phẩm từ “Điện máy xanh”. Nhớ lại khuyến cáo của cơ quan chức năng, chị T nghi là cuộc điện thoại lừa đảo nên đã từ chối. Chưa trả lời xong, chị T đã bị đối tượng văng tục, chửi thề.
Cũng bị làm phiền, sáng 11/9, một lãnh đạo tỉnh bị đối tượng lạ gọi điện đến, tự xưng là người của nhà mạng, thông báo số “thuê bao của bạn sẽ khóa sau vài giờ nữa”. Từ chối cung cấp thông tin để tránh bị đối tượng lừa đảo thì đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng bị đối tượng này dùng lời lẽ thiếu chuẩn mực.
Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp cán bộ, người dân nhận được cuộc gọi lừa đảo trong thời gian gần đây. Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Nếu có hiện tượng trên, đề nghị trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.
Trước đó, ngày 14/8/2024, Công an tỉnh Bắc Kạn ban hành Văn bản số 3554/CAT-PA05 về việc sử dụng phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng. Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, hiện nay các đối tượng lừa đảo không ngừng phát triển phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn khiến cho người dân khó nhận biết, phòng tránh. Hậu quả là một số người đã “sập bẫy” gây thiệt hại lớn về tài sản.
Để giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, ngày 30/7/2024, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia chính thức ra mắt phần mềm chống lừa đảo nTrurt. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh với các tính năng sau:
1. Cảnh báo cuộc gọi lừa đảo và kiểm tra thông tin liên quan:
+ Phần mềm nTrust tích hợp hơn 1 triệu bản ghi dữ liệu được xác minh từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức an ninh mạng thành viên của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia.
+ Căn cứ dữ liệu này, phần mềm nTrust hiển thị cảnh báo khi số điện thoại lừa đảo hoặc số điện thoại “spam” gọi đến người dân; phần mềm còn có tính năng kiểm tra số điện thoại, trang web, số tài khoản ngân hàng nghi lừa đảo.
2. Gửi báo cáo số điện thoại, số tài khoản, đường link, app nghi lừa đảo:
Người dân có thể sử dụng phần mềm nTrust gửi báo cáo số điện thoại, số tài khoản, đường link, app nghi lừa đảo về trung tâm dữ liệu của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia. Các dữ liệu này sẽ được tập hợp, xác minh và cập nhật đến tất cả người dùng phần mềm nTrust, giúp tăng cường nhận biết lừa đảo trên không gian mạng.
Nhằm tăng cường nhận diện, phòng tránh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh Bắc Kạn xây dựng hướng dẫn sử dụng phần mềm nTrust và đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thông báo để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn cùng cài đặt, sử dụng.
Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị liên hệ Công an tỉnh Bắc Kạn (qua Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao) bằng cách quét mã QR dưới đây để liên hệ Facebook xác thực tích xanh của đơn vị.
Cảnh báo tình trạng lợi dụng bão số 3 kêu gọi từ thiện để trục lợi cá nhân
Cùng với gọi điện lừa đảo, những ngày qua, xuất hiện một số đối tượng xấu lợi dụng bão số 3 kêu gọi từ thiện để trục lợi cá nhân.
Theo khuyến cáo của Bộ Công an, những ngày qua, bão số 3 (bão Yagi) đã và đang gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền Bắc nước ta, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi từ thiện, quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ lụt.
Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh Hội chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín, gọi điện thoại đến nhiều người kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác:
- Không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.
- Hiện nay không chỉ các đối tượng gọi điện kêu gọi quyên góp mà các đối tượng còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo.
- Trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp.
Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.
Trước đó, ngày 30 tháng 8 năm 2024 Chính phủ cũng ban hành Nghị định số: 110/2024/NĐ-CP quy định mới về công tác xã hội. Tại Điều 10, Nghị định Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm:
1. Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2. Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
3. Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
4. Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.
5. Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thoả thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
6. Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân