Tham dự phiên thảo luận có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Phiên thảo luận do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là 2 dự án luật rất quan trọng, được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp để kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính, ngân sách hiện nay để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi luật theo hướng phân cấp, phân quyền, gắn liền với trách nhiệm, tăng cường thanh tra, giám sát, để các dự án đầu tư công phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đồng chí đề nghị các đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng, nghiên cứu thấu đáo, trách nhiệm để góp ý, hoàn thiện các nội dung trong từng dự thảo Luật.
Cùng tham gia thảo luận, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhất trí cao với việc sửa đổi Luật Đầu tư công để tháo gỡ các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là phù hợp nhằm khắc phục những vướng mắc trong việc thực hiện các dự án giao thông, bố trí tái định cư, thực hiện CTMTQG hiện nay.
Bên cạnh đó, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị, đối với các dự án đầu tư công, khi đã thực hiện phân cấp, phân quyền, cần thống nhất quy định việc gì trung ương, Quốc hội đã quyết định là phải được triển khai thống nhất, đồng bộ, tránh việc Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng khi thực hiện lại phải xin phép các cấp, ngành như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng… làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, dẫn đến các dự án chậm tiến độ so với kế hoạch. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành các quy định chặt chẽ hơn, rõ hơn thế nào là dự án đầu tư khẩn cấp và cần có tiêu chí xác định ngay từ đầu, tránh trường hợp dự án là khẩn cấp nhưng quy trình thực hiện lại bình thường, làm mất tính kịp thời, cấp bách của dự án.
Liên quan đến phân cấp các dự án theo cấp quản lý, đồng chí đề nghị nên giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh để đảm bảo quyền đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri trong quyết định và giám sát. Đồng thời, đánh giá cao quy định cho phép cân đối NSĐP này hỗ trợ địa phương khác, các ngành, cơ quan khác để chia sẻ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tạo điều kiện để các địa phương hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Nhất trí, đồng tình cao với việc Quốc hội xem xét Luật sửa đổi 7 luật tại Kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét lại sự cần thiết của việc đưa các quy định cụ thể mang tính nguyên tắc vào dự thảo Luật; xem xét lại quy định cơ quan thẩm tra phải chịu trách nhiệm về những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật, vì như vậy thì trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chỉnh lý luật ở đâu trong việc ban hành Luật này.
Bên cạnh đó, góp ý vào một số nội dung cụ thể sửa Luật Ngân sách Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng đồng tình với quy định cho phép NSĐP được hỗ trợ địa phương khác cũng như hỗ trợ các ngành trung ương đóng trên địa bàn, tuy nhiên đề nghị xem xét, bỏ một số nội dung quy định không cần thiết như địa phương phải đảm bảo cân đối được ngân sách; xem xét lại quy định về phân cấp thẩm quyền cho địa phương trong phân bổ chi tiết NSNN cho thống nhất với quy định về thẩm quyền phân bổ ngân sách trung ương trong Hiến pháp đã giao cho Quốc hội thực hiện.
Góp ý về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn có các kiến nghị cụ thể như:
Liên quan đến quy định về đối tượng đầu tư công, dự thảo Luật quy định giao “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện ủy thác vốn ngân sách địa phương thực hiện chính sách ưu đãi theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định liên quan, đại biểu Huế đề nghị xem xét, chỉnh sửa theo hướng giao UBND tỉnh quyết định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung và hình thức thực hiện việc ủy thác vốn ngân sách địa phương thực hiện chính sách ưu đãi. Vì thực tế hiện nay, UBND cấp tỉnh đã và đang ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện, đối tượng, mức cho vay, về quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Về quy định điều chỉnh chủ trương đầu tư, đại biểu đề nghị làm rõ, trường hợp dự án phải điều chỉnh thời gian thực hiện hoặc kéo dài thời gian bố trí vốn. Đồng thời đề nghị bổ sung trường hợp: “Dự án còn vốn dư, khoản vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài dư sau đấu thầu, vốn dư do thay đổi tỷ giá, vốn dự phòng không sử dụng hết và các khoản vốn dư khác, dự án điều chỉnh, bổ sung nội dung để sử dụng hết số vốn dư nêu trên” vào trường hợp không phải thực hiện điều chỉnh đề xuất chương trình, dự án…
Theo Chương trình kỳ họp, các dự án luật trên sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên họp toàn thể trước khi bấm nút biểu quyết thông qua./.