Cải cách tiền lương: Từ 2025, tăng lương bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức

Chính phủ đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024 trong 3 năm 2024 - 2026. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tăng lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang bình quân 7%/năm

Sáng 23/10, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc.

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho biết: Những năm qua, mặc dù khó khăn trong đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024 trong 3 năm 2024 - 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong năm 2025, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương từ ngày 01/7/2024.

Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.

Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Khắc phục hiệu quả tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Rà soát, hoàn thiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và đối tượng tham gia; khắc phục hiệu quả tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập và thúc đẩy mạnh mẽ các sàn giao dịch việc làm. Trong đó, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả, nhất là thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Kịp thời khắc phục vướng mắc trong quản lý giá, đầu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế

Tăng cường phòng, chống các loại dịch bệnh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp.

Đồng thời, kịp thời khắc phục vướng mắc trong quản lý giá, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án bệnh viện kéo dài nhiều năm; xử lý nghiêm vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Bảo đảm đủ, kịp thời vaccine và duy trì tỷ lệ tiêm các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên 90%.

Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng./.

Đảm bảo đủ ngân sách để cải cách đồng bộ chính sách tiền lương

Về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của ngân sách trung ương các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn ngân sách trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

“Với dự kiến thu chi ngân sách nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến bảo đảm đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.

Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Xem thêm

Video

Đọc báo in