Bình yên ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình

BBK -Sởn da gà, ứa nước mắt…, đó là những cảm giác, cảm xúc mà chúng tôi trải qua khi nghe kể về quá khứ buồn của những chú gấu từng bị nuôi nhốt trong điều kiện sống tồi tệ và phải chịu nỗi đau về thể xác, bị hút mật đến kiệt quệ sức khỏe, phát sinh nhiều bệnh tật trước khi được “giải cứu” về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình để chăm sóc, phục hồi.

Tham gia Chương trình tham quan trải nghiệm “Báo chí cùng tham gia bảo vệ thiên nhiên trong thập kỷ phục hồi sinh thái”, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, chúng tôi có dịp được tham quan Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình nằm trong phân khu cây xanh sinh thái của Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình, thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, nằm trên trục đường Cúc Phương - Bái Đính, cách cổng Vườn Quốc gia Cúc Phương khoảng 08km. Đây là nơi tiếp nhận và chăm sóc trọn đời những cá thể gấu được tự nguyện chuyển giao từ các trại nuôi tư nhân hoặc bị tịch thu từ các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Dưới cái nắng oi ả trưa tháng 6, chúng tôi được hướng dẫn viên Đinh Thị Ninh của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình nhiệt tình đưa đi tham quan toàn bộ khu vực không gian sống của những chú gấu từng là “nạn nhân” của việc nuôi nhốt gấu lấy mật và buôn bán, vận chuyển gấu trái phép trên khắp cả nước. Sau khi được cứu hộ về Cơ sở, các cá thể gấu được chăm sóc và bảo đảm phúc lợi theo tiêu chuẩn quốc tế.

img1027-16742294980201238535786.jpg
Một góc không gian sống bán hoang dã của gấu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Đang hào hứng giới thiệu tổng quan về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình với chúng tôi, bỗng giọng của hướng dẫn viên Đinh Thị Ninh chùng xuống khi nói về hoàn cảnh của từng chú gấu khi tiếp nhận về đây. “Tất cả những chú gấu đang sinh sống tại đây đều có một quá khứ đau buồn do tác động của con người vì những lợi ích kinh tế…”- chị Ninh buồn bã nói. Và những câu chuyện sau đây là minh chứng điển hình cho quá khứ của các chú gấu khi tiếp nhận về Cơ sở.

Chuyện buồn của gấu Thi và gấu Khánh

Gấu Thi đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình vào tháng 02/2022 cùng với 08 bạn gấu khác. Lần đầu tiên nhìn thấy gấu Thi trong trang trại nuôi tư nhân, đội ngũ chăm sóc đã rất sốc và lo lắng rằng gấu Thi sẽ không vượt qua được cuộc kiểm tra sức khỏe và hành trình hơn 1.600km đến ngôi nhà mới. Nhưng sau tất cả, gấu Thi đã về với ngôi nhà chung an toàn. Khi mới về, gấu Thi ở trong tình trạng rất tệ với nhiều vấn đề về sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần bị hủy hoại bởi hàng chục năm bị hút mật và sống trong một nhà kho bê tông bẩn thỉu.

Một chú gấu tỏ ra thích thú khi tự do tắm nắng, chơi đùa trên bãi cỏ mà không bị ai làm phiền. Ảnh: Four Paws.

Một chú gấu tỏ ra thích thú khi tự do tắm nắng, chơi đùa trên bãi cỏ mà không bị ai làm phiền. Ảnh: Four Paws.

Sau nhiều tháng nhận được sự chăm sóc đặc biệt, gấu Thi đã hồi phục khá nhanh chóng và trở thành một cô gấu mang tính cách trầm lặng, nhẹ nhàng nhưng tò mò. Suốt nhiều tháng, gấu Thi chỉ ăn bí ngô và thịt gà, thậm chí còn không động đến mật ong, món khoái khẩu nhất của gấu. Nhưng nhờ sự kiên trì của các nhân viên chăm sóc mà sau này gấu Thi bắt đầu ăn nhiều loại thức ăn hơn, rất thích ăn mật ong. Tại khu bán hoang dã, gấu Thi thích dành hàng giờ nổi trong bể bơi và hòa nhập được với một nhóm 04 gấu cái lớn tuổi khác.

Trong những tuần cuối cùng của cuộc đời, hàng loạt các vấn đề sức khỏe lần lượt ập đến, bên chân bị cụt từ khi còn ở trong trại nuôi nhốt gấu giờ đây không thể cử động được. Qua khám nghiệm, đội ngũ chăm sóc vô cùng kinh hoàng khi tìm thấy một chiếc kim hút mật dài 10cm đã bị gãy trong bụng gấu Thi và không biết nó đã ở trong cơ thể Thi bao lâu, chiếc kim đâm xuyên qua lá lách và gây đau đớn cho bạn ấy hằng ngày. Chưa dừng lại ở đó, các chuyên gia thú y còn tìm thấy nhiều đầu kim bị gãy trên khắp các chi của Thi do quá trình gây mê không đúng cách tại trại nuôi nhốt gấu lấy mật. Dù được điều trị liên tục, nhưng sự đau đớn vẫn là quá sức chịu đựng với gấu Thi do tàn tích của quá khứ bị tra tấn vẫn còn trong cơ thể. Gấu Thi mất vào tháng 11/2022 sau khoảng thời gian ngắn ngủi chung sống với các bạn tại Cở sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Câu chuyện về gấu Khánh cũng vậy, 01/9/2023 Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình nhận được cuộc gọi từ ngành Kiểm lâm đề nghị hỗ trợ giải cứu một cá thể gấu đang ốm tại tỉnh Hải Dương. Tiên lượng xấu cho gấu Khánh, kết quả sau khi kiểm tra sức khỏe tại cơ sở nuôi nhốt cho thấy có khá nhiều vấn đề rất nghiêm trọng; bị liệt chi dưới và không thể đi tiểu do thoái hóa cột sống rất nặng, gây ảnh hưởng đến bàng quang tiết niệu; móng vuốt mọc ngược vào chi trái cần được phẫu thuật; vấn đề nha khoa cũng khá nghiêm trọng; cao huyết áp và viêm túi mật mạn tính.

Một chú gấu khác lại lựa chọn hồ bơi để ngâm mình trong nước.

Một chú gấu khác lại lựa chọn hồ bơi để ngâm mình trong nước.

Khi về tới Cơ sở, đội ngũ bác sĩ thú y đã tiến hành kiểm tra sức khỏe lần 2 do tình trạng nguy kịch của gấu Khánh; tiến hành chụp X-quang và thoát khoảng 5 lít nước tiểu trong bàng quang gấu Khánh (bàng quang gấu bình thường không nên chứa quá 500ml, nếu không sẽ gây đau đớn cho gấu). Mặc dù đã được Cơ sở tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do có quá nhiều vấn đề về sức khỏe, cũng giống như gấu Thi, gấu Khánh đã không thể qua khỏi và mất ngày 04/9/2023…

Mái nhà chung an toàn cho gấu

Gấu NB 4.jpg
Hướng dẫn viên Đinh Thị Ninh (áo xanh ngoài cùng từ phải qua trái) giới thiệu tổng quan về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình với Đoàn cán bộ phóng viên Báo Bắc Kạn.

Gạt vội những giọt mồ hôi lăn trên trán, hướng dẫn viên Đinh Thị Ninh tiếp tục câu chuyện về những "bạn" gấu: Năm 2014, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được thành lập và đầu tư xây dựng bởi Four Paws- tổ chức Phi lợi nhuận thực hiện các dự án về phúc lợi động vật toàn cầu. Với tổng diện tích dự án trên 22ha, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn quốc tế về nuôi giữ động vật hoang dã hiện đại, với 08 khu bán hoang dã đảm bảo cho loài gấu không gian sống tự nhiên nhất; có hồ nước để cho gấu bơi lội, có các bậc sàn cao, bãi cỏ để cho gấu leo trèo, tắm nắng, chơi đùa cùng nhau…

Gấu NB 1.jpg
Tại đây, gấu được thoả thích vui đùa, phục hồi bản năng hoang dã của mình. Ảnh: Four Paws.

Tháng 11/2017, Cơ sở bắt đầu tiếp nhận những cá thể gấu đầu tiên, và cho đến nay đang nuôi dưỡng 46 cá thể gấu. Với thông điệp: Hãy đối xử với động vật bằng sự tôn trọng, cảm thông và thấu hiểu; tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, gấu được quyền lựa chọn sống cuộc sống của gấu mà không bị con người can thiệp hay làm phiền. Điều này được thể hiện rõ bằng những việc làm cụ thể của đội tình nguyện viên, chăm sóc tại Cơ sở đang từng ngày giúp các chú gấu khôi phục một số bản năng hoang dã vốn có của mình.

"Bình Yên về nào!"

Vào tháng 4 năm 2018, Cơ sở giải cứu thành công cá thể gấu cái từ một trang trại nuôi nhốt gấu để lấy mật ở thành phố Ninh Bình. Thời điểm được cứu hộ, cô gấu này nặng khoảng 155kg và bị viêm túi mật, sỏi mật... Sau đó, cô gấu đã phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ túi mật để đảm bảo an toàn cho tính mạng. Với chế độ ăn mới cải tiến và phù hợp, cô cũng giảm được hơn 30kg. Cô sống cùng với người bạn rất thân của mình là Misa. Chúng khá khó hòa nhập và hầu như luôn luôn cùng nhau đi lang thang qua thảm thực vật dày của khu vực bán hoang dã ngoài trời.

Cái tên Bình Yên được đặt cho cô gấu này cũng bởi cô rất điềm tĩnh và được biết đến như một sứ giả hòa bình khi Misa- người bạn thân của cô nóng tính hơn, trở nên hung dữ với những cá thể gấu khác; đồng thời BÌNH YÊN cũng thể hiện mong muốn của Four Paws trong việc chung tay chấm dứt tình trạng nuôi gấu lấy mật trong các trang trại ở tỉnh Ninh Bình, trả lại sự bình yên cho loài gấu đang bị nuôi nhốt ở địa phương.

BSNB 1 (17).jpg
Các cá thể gấu được giải cứu nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống bán hoang dã ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Ảnh: Four Paws.

Sự nỗ lực không ngừng của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình trong việc phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm sẽ tăng cường lan tỏa thông điệp kêu gọi nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng.

Bắc Kạn nói không với nuôi gấu lấy mật

Trao đổi cùng phóng viên Báo Bắc Kạn, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn cho biết, kể từ khi Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành, ngành Kiểm lâm của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua họp thôn, tuyên truyền ở trường học, phát tờ rơi... nhằm nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, trong đó đặc biệt là nói không với nuôi nhốt gấu lấy mật.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn khẳng định: “Những năm 2005 trở về trước, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng có một vài hộ dân nuôi nhốt gấu để lấy mật, tuy nhiên từ năm 2006 trở lại đây, đặc biệt Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành thì các hộ dân đã tự giác chấp hành, không thực hiện nuôi nhốt gấu để lấy mật nữa. Kể từ đó cho tới nay, tỉnh Bắc Kạn không có bất kì một cá thể gấu nào bị nuôi nhốt để khai thác mật”.

Theo thông tin từ Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, cả nước hiện còn khoảng hơn 200 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại các trang trại tư nhân, trong đó Thành phố Hà Nội chiếm hơn 50%, với trên 100 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt, số còn lại chủ yếu tại các tỉnh, thành phía Nam đất nước.

Gấu NB 2.png
Gấu được chăm sóc, bảo vệ an toàn ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Ảnh: Four Paws.

Cả 02 loài gấu ngựa và gấu chó đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất. Hai loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể gấu đã bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm đối với từ 06 cá thể gấu trở lên (bao gồm cá thể gấu, hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống) là đã đáp ứng dấu hiệu định khung theo khoản 3 Điều 244, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt từ 10 -15 năm tù đối với cá nhân vi phạm. Riêng hành vi quảng cáo bán mẫu vật của gấu (cá thể, bộ phận, sản phẩm) được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 - 100 triệu đồng theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Tỉnh Bắc Kạn hiện là một trong 46 tỉnh thành trên cả nước không còn gấu nuôi nhốt. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, trong thời gian tới, ngành Kiểm lâm tỉnh và các ngành, địa phương, các đơn vị truyền thông vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; duy trì công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn; cùng với cả nước chung tay nói không với nuôi nhốt gấu./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in