Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Sau hơn một tháng làm việc (từ ngày 21/10 - 27/11), với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp thứ 8.

Sau hơn một tháng làm việc (từ ngày 21/10 - 27/11), với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp thứ 8.

Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp
Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp.

Theo đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 11 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự cơ quan của Quốc hội và thành viên Chính phủ và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Với 22 lượt phát biểu tham gia xây dựng luật trong các phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường, các vị ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc hoàn thiện luật, nhất là các bộ luật có phạm vi điều chỉnh lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, được cử tri trong cả nước quan tâm, như:

Bộ luật Lao động (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã bổ sung, sửa đổi tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035; bổ sung thêm 01 ngày nghỉ vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm từ 10 ngày lên 11 ngày; quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần; quy định số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã bổ sung vào Luật Tổ chức Chính phủ một số quyền cho Thủ tướng, bổ sung quy định Chính phủ quyết định số lượng biên chế tối thiểu trong các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện…; sửa đổi, bổ sung vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân quyền, phân cấp, ủy quyền; điều chỉnh cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định không còn chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung thêm 2 trường hợp được tuyển dụng thông qua xét tuyển đối với “người học theo hình thức cử tuyển” và “sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng”; bổ sung thêm nhiều đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức và việc xử lý vi phạm của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Từ ngày 01/7/2020, hàng loạt viên chức phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn; viên chức tập sự không đạt yêu cầu có thể bị đơn phương chấm dứt hợp đồng; bổ sung 4 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật và kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật viên chức.

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng đã dành một ngày để thảo luận trước khi thông qua Nghị quyết về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, gồm 10 dự án tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe người dân tộc thiểu số... Đồng thời, giao Chính phủ xây dựng tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi bảo đảm khách quan, khoa học, hợp lý làm cơ sở để hoạch định chính sách dân tộc. Đề án xác định rõ nguồn lực nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định và được ghi thành dòng ngân sách riêng để thực hiện.

Bên cạnh chất vấn, trên cơ sở xem xét Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, Quốc hội thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề và yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường giám sát việc thực chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, góp phần phát hiện, kiến nghị xử lý các tồn tại, hạn chế và vi phạm pháp luật.

Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2019, Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, trước kết quả là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Thế và lực của nước ta không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.747.100 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.800 tỷ đồng, tương đương 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP); Tổng mức vay của NSNN là 488.921 tỷ đồng. Tỉnh Bắc Kạn được giao thu - chi NSNN năm 2020 với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 676 tỷ đồng; được bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương là 2.915 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương là 3.885 tỷ đồng.

Cũng trong  kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Hai điều ước quốc tế này đã tạo khung pháp lý cho 84% đường biên giới giữa 2 nước trên thực địa, là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai công tác quản lý đường biên giới và tiếp tục giải quyết vấn đề biên giới giữa 2 nước sau này. Quốc hội cũng giao Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục đàm phán 16% đường biên giới còn lại giữa Việt Nam và Campuchia.

Xem xét về công tác nhân sự, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với ông Hoàng Thanh Tùng- Phó tổng Thư ký Quốc hội, ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Kỳ họp thứ 8 đã diễn ra rất nghiêm túc, xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đã cân nhắc đến từng nội dung theo chương trình kỳ họp và được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thiết thực trong hoạt động của đại biểu; chương trình làm việc được bố trí hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế, bảo đảm đúng nguyên tắc; không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng./.

Ái Vân

Xem thêm

Video

Đọc báo in