Bắc Kạn từng bước xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới ở đồng bào dân tộc thiểu số

BBK - Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) được triển khai tại Bắc Kạn với nhiều hoạt động thiết thực. Phóng viên Báo Bắc Kạn có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Thị Na, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về nội dung này. 
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết đôi nét về việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Phan Thị Na: Bắc Kạn là một trong các tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá sớm. Bám sát chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh, với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án 8 Hội LHPN tỉnh đã nhanh chóng triển khai Dự án 8 tại 648 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 66 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung vào đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố tập trung triển khai các nội dung của Dự án 8 theo kế hoạch đề ra.

Đến nay, Hội LHPN các cấp đã tổ chức được trên 25 lớp tập huấn với các nội dung về: hướng dẫn đối thoại cấp xã; củng cố nâng cao, thành lập vận hành địa chỉ tin cậy; hướng dẫn thành lập, quản lý và vận hành tổ truyền thông cộng đồng; hướng dẫn thành lập "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi"; lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng…

Qua các lớp tập huấn, cán bộ Hội các cấp được trang bị những kiến thức cơ bản về giới, định kiến giới, bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ; lồng ghép giới trong xây dựng chính sách và thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ; hướng dẫn thành lập, vận hành địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; thành lập và vận hành Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông sáng tạo, nâng cao năng lực để thành lập, duy trì tổ liên kết, tổ hợp tác tại địa phương...

PV: Việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh đến nay đã đạt được những kết quả nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Thị Na: Tại tỉnh Bắc Kạn, dự án được triển khai tại 648 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 66 xã. Từ khi triển khai thực hiện Dự án 8 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, phường được thụ hưởng dự án thành lập được 114 Tổ truyền thông cộng đồng, mỗi tổ 10 người có sự tham gia của nam giới và nữ giới, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn, người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, ban bảo vệ dân phố và người dân…

Theo đó, các tổ truyền thông cộng đồng đã tổ chức được trên 130 buổi truyền thông lồng ghép với các hoạt động tại thôn, tổ dân phố với trên 6.000 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền gồm phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống mua bán người, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống đuối nước… Ngoài hình thức truyền thông trực tiếp, các tổ còn linh hoạt truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, bảng tin, nhóm zalo, facebook… Đồng thời thành lập được 01 mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” với 26 thành viên tham gia, 25 câu lạc bộ “Thủ lĩnh sự thay đổi” có 750 học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 16 tuổi tham gia; 11 cuộc đối thoại chính sách cấp xã thu hút hơn 700 lượt người tham gia.

Qua 1 năm triển khai thực hiện, Dự án 8 bước đầu góp phần làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại. Đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng.

PV: Trong quá trình thực hiện Dự án 8, các cấp Hội có gặp khó khăn gì không, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Thị Na: Trong quá trình thực hiện, Dự án 8 còn một số khó khăn, hạn chế như: Đối tượng và địa bàn triển khai thực hiện còn rất hạn chế nên nhiều nội dung khó thực hiện do vướng quy định về địa bàn thụ hưởng. Trong khi đó, nhiều xã trên địa bàn tỉnh mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

PV: Vậy để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án 8, trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nội dung, hoạt động nào?

Đồng chí Phan Thị Na: Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ Hội và các ban ngành liên quan về các nội dung dự án, một số nguyên tắc và giải pháp lồng ghép giới trong xây dựng chính sách và thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ trong Dự án 8. Tập huấn triển khai các mô hình thay đổi nếp nghĩ cách làm; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho già làng, trưởng bản, người có uy tín. Triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi nếp nghĩ cách làm. Xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, truyền thanh trên hệ thống loa phát thanh xã bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Tổ chức các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; vận hành hoạt động các mô hình điểm; xây dựng thành lập mới các mô hình tổ truyền thông cộng đồng, mô hình “Địa chỉ tin cậy”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn bản đặc biệt khó khăn.

Với sự chủ động triển khai một cách đồng bộ, nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa tại cơ sở, các nội dung của Dự án 8 đã và đang đi vào cuộc sống, mở ra thêm nhiều cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ Bắc Kạn trong đời sống hiện nay.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Xem thêm

Video

Đọc báo in