Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thiếu nguồn cung một số loại VLXD được các chủ đầu tư, nhà thầu thi công nhận định là do việc quy hoạch các mỏ VLXD chưa kịp thời; các cơ quan quản lý nhà nước cần có dự báo sớm về nhu cầu; cơ quan chức năng cần mạnh dạn đề xuất các giải pháp căn cơ, cụ thể về sản xuất VLXD, nhất là đối với cát xây dựng. Đối với các loại vật liệu như sắt, thép, xi măng, gạch ốp lát… cần có nhiều hơn nữa các công ty, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn các huyện, thành phố.
Theo số liệu từ Sở Tài Nguyên và Môi trường, toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 34 mỏ vật liệu xây dựng còn thời hạn giấy phép, 04 nhà máy gạch. Trong 34 mỏ VLXD có khoảng 1/3 là mỏ cát. Tuy nhiên, các mỏ cát trữ lượng đều không lớn, chủ yếu là cát bồi lắng theo dòng sông. Mỗi mỏ cát thường có ba loại sản phẩm như cát bê tông, cát xây, cát trát, chất lượng không đồng đều, sản lượng khai thác được chưa đủ đáp ứng nhu cầu hiện nay. Mặt khác các mỏ phân bố không đồng đều trên địa bàn tỉnh, do vậy hiện tỉnh vẫn phải mua cát từ các tỉnh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nội. Phải chịu cước vận chuyển cung đường xa, đường đồi núi khó đi nên chi phí cho một mét khối cát xây dựng khi đến công trường thường đội lên gấp 2-3 lần so với các địa phương khác.
Đối với gạch xây dựng hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Toàn tỉnh có 04 nhà máy gạch có sản lượng lớn, đó là Nhà máy gạch ngói Chợ Đồn, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn với công suất 30 triệu viên/năm; Nhà máy sản xuất gạch Tuynel Cẩm Giàng, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông công suất 15 triệu viên/năm; Nhà máy sản xuất gạch Tuynel công nghệ cao Hà Vị, xã Hà Vị, huyện Bạch Thông (nay là xã Quân Hà, huyện Bạch Thông) công suất 25 triệu viên/năm; Nhà máy sản xuất gạch tại phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn), công suất thiết kế 30 triệu viên/năm.
Đối với các mỏ vật liệu là đá vôi, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên việc quy hoạch cần được phân bổ đồng đều trên các huyện, nếu trữ lượng và chất lượng đảm bảo. Đối với tỉnh Bắc Kạn, hầu hết đường đến các huyện đều phải vượt qua đèo cao, điển hình như huyện Ngân Sơn, nếu vận chuyển từ Bắc Kạn đến phải vượt qua Đèo Giàng và Đèo Gió, chi phí vận tải sẽ tăng cao. Việc quy hoạch các mỏ vật liệu, nếu đủ các điều kiện thì cần phân bổ đồng đều. Đối với quy hoạch nhà máy gạch cũng cần phân bổ đầu tư xây dựng trên các huyện, tránh để tình trạng địa phương thì có vài nhà máy nhưng nơi khác lại không có.
Từ việc thiếu cát xây dựng sản xuất trong tỉnh, hiện nay một số mỏ đá vôi đã xin phép và đầu tư dây chuyền nghiền cát. Điển hình là Công ty TNHH MTV khoáng sản và thương mại Đồng Nam đã chính thức đưa dây chuyền cát nghiền vào hoạt động, giúp giải bài toán thiếu cát trên địa bàn huyện Chợ Đồn nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.
Theo ông Đỗ Văn Cương, cán bộ Công ty cổ phần Bắc Hà, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn có chủ trương quy hoạch, đấu giá mỏ VLXD cát sỏi Vằng Chừn ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới. Công ty đã tham gia và trúng đấu giá. Để kịp thời cung cấp cát, sỏi ra thị trường, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu cát xây dựng cho tuyến đường cao tốc Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn, Công ty rất mong muốn được các cấp, ngành tạo điều kiện hướng dẫn để hoàn thiện các thủ tục còn lại, sớm đưa mỏ vào hoạt động khai thác.
Những khó khăn về nguồn cung và chủ động sản xuất VLXD tại tỉnh được tháo gỡ chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án tại các địa phương./.