Yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra

BBK - Ngày 07/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trả lời chất vấn của ĐBQH đối với các câu hỏi liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

Buổi sáng, Quốc hội chất vấn đối với các lĩnh vực: Công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường.

Chiều cùng ngày, Quốc hội chất vấn đối với các lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

Đặt câu hỏi chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, Nghị quyết Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội có yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Đại biểu Thủy đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết Thanh tra Chính phủ đã có giải pháp như thế nào để triển khai Nghị quyết trên của Quốc hội và hiệu quả của những giải pháp này trên thực tế.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng Đề án quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp xây dựng Báo cáo thực trạng kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Trên cơ sở đó, ngày 27/10/2023, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 131 quy định kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Hiện nay các cấp, các ngành đã và đang triển khai, tổ chức thực hiện.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành thanh tra tổ chức thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 trong đó tham mưu trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành và xây dựng ban hành các thông tư hướng dẫn để chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thanh tra. Thanh tra Chính phủ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26 về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra giám sát hoạt động công vụ, nhằm kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức, nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra; tiếp tục hoàn thiện quy chế quy định về giám sát nội bộ, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thẩm định chủ động phối hợp các cơ quan đơn vị theo chức năng theo dõi kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp có vi phạm.

Chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp và hiệu quả tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội giải trình, nhận diện rõ hơn những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi nhiệm vụ, từ đó nâng cao trách nhiệm trong khắc phục hạn chế, tồn tại. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì dù không phải lời hứa, cam kết và không phải nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in