Xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới Ghi chép của Tùng Vân

                                    Xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới  

                                    Xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới  

                                                                          Ghi chép của Tùng Vân

Chúng tôi có chuyến lên thôn đồng bào dân tộc Dao Bản Lấp thuộc xã Bành Trạch (Ba Bể) và thấy được sau 20 năm "hạ sơn", đồng bào dân tộc Dao thôn Bản Lấp thuộc xã Bành Trạch (Ba Bể) là một cuộc đổi đời. Hiện nay thôn có hơn 40 hộ dân với trên 200 nhân khẩu, sống đoàn kết gắn bó và cùng nhau phấn đấu tạo ra nhiều chuyển biến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng thôn bản...

Bản Lấp hôm nay
Bản Lấp ngày nay

Bản Lấp một thời
Thời kỳ giải thể hợp tác xã, người dân bản địa bán nhà, bán ruộng nương chuyển vào Nam sinh sống, bà con ở các huyện Thông Nông, Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng đã tìm đến mua và chuyển gia đình về đây sinh sống. Cuộc tha hương của họ không dễ dàng để có được cuộc sống hôm nay. Mới đầu, khi mới chuyển về, cả bản không ai biết nghe, nói tiếng gì ngoài tiếng Dao. Được sự quan tâm từ phía chính quyền, sự nhiệt tình trách nhiệm cao trong công tác xã hội của các cán bộ lãnh đạo xã, cán bộ ở các đoàn thể của địa phương đã không ngại khó, ngại khổ, khi biết tình hình của thôn từ nơi khác mới chuyển về, phong tục, tập quán còn lạc hậu, chưa quen với tập tục canh tác, sinh sống và đặc biệt là vấn đề bất đồng trong ngôn ngữ.

Còn nhớ, một lần, tôi được theo đoàn cán bộ xã Bành Trạch vào Bản Lấp tuyên truyền về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình khi họ mới chuyển về, chị Chủ tịch hội phụ nữ xã cùng cán bộ chuyên trách dân số nói tiếng phổ thông bà con không biết, giải thích bằng tiếng dân tộc Tày bà con cũng lắc đầu, không biết nghe, hồi đó, ông Bàn Văn Cát làm trưởng thôn, bập bẹ nghe được láng máng vài tiếng phổ thông nhưng cũng đành làm người phiên dịch cho cuộc tuyên truyền hôm đó... Kết thúc một ngày tuyên truyền, trên đường trở về, cả đoàn không ai còn rôm rả chuyện trò, cười đùa như lúc mới hành trình vào thôn. Vậy mà, hôm nay, Bản Lấp vươn lên trở thành một trong những thôn vùng cao tiến bộ đến như vậy, tôi hiểu, ngoài sự cố gắng của bà con trong thôn, đây còn là kết quả sau cuộc cách mạng tuyên truyền mà chính quyền địa phương đã nỗ lực đạt được.

Vượt khó bằng phát huy nội lực
Nói về sự chuyển biến ở thôn Bản Lấp, ông Ma Văn Mi, Chủ tịch UBND xã Bành Trạch cho biết: Nhiều nguyên nhân khiến bà con bản địa trước đây phải rời mảnh đất quen thuộc này, một phần do bà con chưa chịu khó khai thác đất đai canh tác làm ăn, phần do trình độ nhận thức còn hạn chế khi thời điểm đó nhà nước chưa có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân vùng cao, hộ nghèo như bây giờ; bà con chưa có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại trong canh tác sản xuất; chưa có nguồn vốn vay ưu đãi cho người nghèo phát triển kinh tế và điều đặc biệt là đường xá đi lại quá khó khăn,...

Giờ đây, Bản Lấp khác xa hoàn toàn so với trước, cả trong sinh hoạt đời sống cũng như canh tác sản xuất, bà con rất nhạy bén với khoa học kỹ thuật hiện đại, tiếp thu nề nếp sinh hoạt ăn sạch, uống sạch, ở sạch; các công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đều được bà con xây dựng kiên cố, đúng quy cách hợp vệ sinh...; với 14 ha đất ruộng cấy lúa, từ 1 vụ, giống cũ, đến tăng lên 2 vụ và thay đổi hoàn toàn giống mới; đầu tư phân bón, chăm sóc có khoa học, chịu khó tham dự đầy đủ các lớp tập huấn về các vấn đề trong đời sống. Khác với một số đồng bào vùng cao ở một số nơi, đến dự tập huấn mục đích chỉ để nhận tiền hỗ trợ, bà con nơi đến ngoài việc tham gia đầy đủ còn áp dụng rất tốt trong sản xuất, đời sống, chính vì thế, khác với người dân bản địa trước đây, nhiều hộ thường phải vay mượn lương thực để giải quyết cái ăn thì nay bà con đã làm thay đổi hoàn toàn. 

Ở Bản Lấp, nhằm mục đích hài hòa, công bằng, tránh gây mất đoàn kết, việc điều phối nguồn nước vào ruộng được thôn sắp xếp, họp bàn, chia tổ rõ ràng. Nhiều năm qua, thôn luôn có 5 tổ điều phối nước canh tác, theo cách làm như sau: Mỗi tổ có 5 hộ, mỗi hộ có 3 tiếng đồng hồ để đưa nước vào ruộng nhà mình, đến tổ nào tổ đó bốc thăm, ai bốc được phiếu trúng lượt mình trước thì lấy trước, ai sau lấy sau, theo cách làm này, nhiều năm qua, việc lấy nước vào ruộng canh tác ở thôn không xảy ra vấn đề tranh chấp, mất đoàn kết. Để cải thiện mức thu nhập trong cuộc sống, bà con đến các thôn lân cận như: Pác Pỉn, Nà Dụ, Khuổi Khét để thuê đất trồng ngô, đỗ, sắn theo cách thức một tạ ngô, sắn, đỗ chia cho chủ đất 30ki-lô-gam, theo cách làm này, những năm qua nhiều hộ đã có khoản thu nhập đáng kể. Vụ ngô năm trước, hộ anh Triệu Vần Pu và hộ Sào Xuân Phin chung nhau thuê đất trồng được 20 túi ngô giống, thu về trên 30 triệu đồng, năm nay số diện tích tiếp tục tăng lên và trồng được 20 túi giống. Đến mùa thu hoạch, nhiều hộ dựng lán ở cả tháng trời trên nương rẫy.

Hiện nay thôn đã tậu được nhiều xe máy, nhiều nhà có 2 xe, bà con bảo, xe cũ để đi nương, vận chuyển sản phẩm nông sản, xe mới để khi ra trung tâm xã, huyện, đi chơi chợ; toàn thôn có trên 90% hộ có ti vi, đài, trên 80% số hộ dùng cơ giới hoá trong sản xuất; thôn không có người sinh con thứ 3, không có người mắc các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật; đám cưới, đám tang thực hiện theo nếp sống mới,…những tháng cuối năm, khi đã rỗi việc đồng áng, thôn lại hô nhau nắm cơm mở đường, chẳng ai nề hà nhà này tham gia nhiều, nhà kia tham gia ít, giờ đây dù còn khó khăn, nhưng việc đi lại cũng đã dễ dàng hơn. Trước kia muốn vào thôn, từ trung tâm xã phải đi bộ mất nửa ngày đường và phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới leo hết đoạn đường núi đá tai mèo, sản xuất được sản phẩm nông sản mang ra chợ phải gánh, gùi bằng sức người; có tiền mua được chiếc xe máy, xe đạp cũng phải gửi cách thôn gần chục ki-lô-mét... Những ngày này vào thôn, dọc đường chúng ta sẽ gặp rất nhiều xe máy dựng bên cạnh đường của người dân đi nương; tối đến, không còn cảm giác heo hút như xưa bởi tiếng xe máy của các thanh niên đi chơi từ bản trên xuống bản dưới. Hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 11 hộ, đa số là những hộ mới tách khẩu.

Bản Lấp còn nhiều mong ước 

Gian nan đường vào Bản Lấp

Gian nan đường vào Bản Lấp
Bằng nguồn vốn 30a, năm nay Bản Lấp được nhà nước giúp mở rộng con đường, nhưng do đặc thù toàn núi đá, đa phần phải xử dụng bằng thuốc nổ nên trong tổng số vốn hơn 7 tỷ đồng cũng mới chỉ thực hiện được 2 ki-lô-mét. 

Ông Lý Giảo On, Bí thư chi bộ thôn Bản Lấp cho chúng tôi biết: Qua kết quả sau bao năm tạo dựng, phấn đấu có được như ngày hôm nay, giờ đây Bản Lấp đã giảm được nhiều hộ nghèo, cuộc sống của đa số các hộ dân cơ bản đã ổn định lên một bước. Nếu nói về sản phẩm nông sản, đây là thôn hằng năm sản xuất ra khá nhiều, chiếm khoảng 1 phần ba của xã Bành Trạch. Những nỗ lực của bà con là vậy, cuộc sống đã cơ bản ổn định, nhưng để tiếp tục xây dựng thôn ngày một đi lên, bà con nơi đây còn nhiều điều để mong ước.

Thứ nhất, nhiều hộ gia đình những năm gần đây rất coi trọng việc học cho con em, một số em đã học xong chương trình THPT, một số đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tại các trường sư phạm, y nhưng chưa có em nào xin được việc làm.

Thứ hai, bao năm nay tất cả các hoạt động sinh hoạt đời sống, học tập của con em trong thôn đều sử dụng từ dòng điện nước mi ni, nhưng phục thuộc vào nguồn nước, mùa vụ, việc xay xát lương thực, cám chăn nuôi đều phải vượt con đèo núi đá ra các thôn bên ngoài, do đó bà con mong được nhà nước đầu tư nguồn điện thắp sáng.

Thứ nữa, mặc dù hiện nay con đường vào thôn đang được huyện đầu tư mở rộng thêm mặt đường nhưng cũng mới chỉ được 2km, còn khoảng hơn 1km nữa mới đến thôn, do là đường núi đá, phải dùng đến thuốc nổ, chi phí cao vượt quá khả năng của thôn nên cần phải có sự tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước về nguồn vốn và cả nhân lực...đây là những niềm mong mỏi hoàn toàn chính đáng còn trăn trở của thôn Bản Lấp nói riêng, chính quyền xã Bành Trạch nói chung.

Tùng Vân

Xem thêm

Video

Đọc báo in