Từ hướng dẫn người dân làm quen với điện thoại thông minh
Sau hơn 3 tháng phát động, chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành đã nhận được sự tham gia ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đến cuối tháng 8/2023, thông qua Sở Thông tin và Truyền thông, tỉnh đã tiếp nhận, tổ chức trao 176 chiếc điện thoại thông minh cho các huyện, thành phố trong tỉnh để chuyển đến cho người dân thuộc đối tượng được thụ hưởng.
Tuy nhiên, sau khi được tặng điện thoại thông minh, nhiều người mới đang làm quen các chức năng của điện thoại. Do vậy, các xã, phường được thí điểm đang tăng cường hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh trong hoạt động chuyển đổi số.
Nhân dân tổ 9, phường Sông Cầu cài đặt phần mềm chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA. |
Bà Phạm Thị Nhung, ở Tổ 19, phường Sông Cầu cho biết: Rất vui khi được tặng điện thoại. Do gia đình không có ti vi, nên với điện thoại được tặng sẽ giúp bà xem được nhiều thông tin. Tuy nhiên, đến nay bà chưa biết dùng các chức năng của điện thoại thông minh.
Còn ông Nguyễn Văn Viết, ở Tổ 8, phường Sông Cầu cũng chia sẻ: Được tặng điện thoại thông minh như “đời sang trang mới”. Nghe lớp trẻ, có điện thoại thông minh sẽ cập nhật được nhiều thông tin, nhưng đến nay, dùng điện thoại để vào mạng thì “tôi thua”.
Theo thống kê, hiện trên 8 địa bàn thí điểm chuyển đổi số còn hơn 4.000 người trong độ tuổi trưởng thành chưa có điện thoại thông minh. Vì vậy, bên cạnh tiếp tục chung tay ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để hoàn thành mục tiêu 100% người dân trưởng thành (người đủ 18 tuổi trở lên) sinh sống tại 8 xã, phường thí điểm chuyển đổi số có điện thoại thông minh để sử dụng hiệu quả, chính quyền các địa phương này đang đẩy mạnh hướng dẫn người dân làm quen ứng dụng điện thoại thông minh trong hoạt động chuyển đổi số.
Đến hỗ trợ người dân cài đặt chữ ký số cá nhân
Cuối tháng 9, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) phát động Chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân. Đây là một trong những địa phương đầu tiên cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023.
Theo đó, phấn đấu đến hết 31/10, toàn bộ các tổ dân phố sẽ thực hiện xong việc cài đặt phần mềm chữ ký số công cộng cho người dân trưởng thành, có điện thoại thông minh. Những ngày này, các tổ trên địa bàn phường đang tập trung tuyên truyền người dân cài đặt phần mềm chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA.
Ông Vũ Văn Mậu, Tổ trưởng Tổ 9 phường Sông Cầu cho biết: Qua thống kê, tại Tổ 9 có khoảng 250 người trưởng thành có điện thoại thông minh. Triển khai Chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân của phường, tổ đã chỉ đạo Tổ Công nghệ số cộng đồng của tổ tuyên truyền và hướng dẫn trực tiếp cho người dân. Theo kế hoạch, đến 12/10, Tổ 9 mới tổ chức cài đặt phần mềm chữ ký số công cộng tập trung, nhưng tổ đã triển khai ngay từ đầu chiến dịch sau khi phường phát động. Đến ngày 10/10 đã có khoảng 70% người trưởng thành, có điện thoại thông minh cài đặt xong phần mềm chữ ký số công cộng.
Phát biểu tại buổi phát động Chiến dịch chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân phường Sông Cầu, ông Nông Đức Dũng, Chủ tịch UBND phường, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số phường Sông Cầu cho biết: Chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân phường Sông Cầu nhằm đồng bộ triển khai các giải pháp để người dân sẵn sàng tham gia, thụ hưởng các thông tin, dịch vụ công trên không gian mạng.
Theo thống kê, đến hết quý III, tỷ lệ sử dụng các ứng dụng số của người dân chưa đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh. Do vậy, nhằm tiếp tục thúc đẩy, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, khai thác sử dụng các ứng dụng số thiết thực đối với người dân, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông biên tập tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng số cơ bản và gửi cho các nhóm hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến. Chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập các nhóm hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến.../.