Ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng cây ăn quả tại Ngân Sơn

Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nên mẫu mã, chất lượng sản phẩm, diện tích cây ăn quả có giá trị trên địa bàn huyện Ngân Sơn ngày càng được mở rộng, nâng cao. Trong đó, nhiều loại cây đặc trưng như dẻ ván, lê ta, đào, hồng không hạt… đang được phát triển theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Cây dẻ của gia đình bà Bàn Thị Ngân, thôn Nặm Làng, xã Đức Vân trồng từ những năm 2000 đến nay đã nhiều năm cho thu hoạch quả
Cây dẻ của gia đình bà Bàn Thị Ngân, thôn Nặm Làng, xã Đức Vân trồng từ những năm 2000, đã cho thu hoạch nhiều năm nay.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn huyện hiện có trên 105ha cây dẻ ván, diện tích cho thu hoạch hơn 27ha, năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha, diện tích trồng tập trung tại các xã Bằng Vân, Đức Vân, thị trấn Nà Phặc. Hiện nay hạt dẻ ván đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Cây dẻ ván phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Ngân Sơn, dễ chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trồng thêm mới 100ha cây dẻ ván, mỗi năm 20ha tại 05 xã gồm: Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Đức Vân và thị trấn Nà Phặc.

Tiến sĩ Lê Văn Thành
Tiến sĩ Lê Văn Thành

Chủ nhiệm đề tài phát triển cây dẻ ván tại huyện Ngân Sơn, Tiến sĩ Lê Văn Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (sau đây viết tắt là Viện nghiên cứu) cho biết: Tiềm năng phát triển cây ăn quả của huyện Ngân Sơn là rất lớn, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, có đường giao thông thuận lợi là Quốc lộ 3, nhưng cây ăn quả đặc sản ở Ngân Sơn còn phân tán, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và tổ chức liên kết bao tiêu sản phẩm chưa đạt được như mong muốn. Do vậy, hiện nay Viện nghiên cứu đang hỗ trợ địa phương xác định vùng trồng cây ăn quả phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh cây dẻ ván và xây dựng được mô hình trồng mới với 04ha, cải tạo cây dẻ ván hiện có với 5ha tại huyện Ngân Sơn, nhằm góp phần tạo sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân trong thời gian tới.

Cây lê cũng là một trong những cây trồng có tiềm năng của Ngân Sơn, toàn huyện hiện có hơn 21ha, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 7ha, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha. Cây lê được trồng nhiều tại các xã Vân Tùng, Đức Vân, Bằng Vân; quả lê được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành ổn định, mang lại thu nhập khá cho người trồng. Huyện Ngân Sơn phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm 8ha tại các xã Bằng Vân, Đức Vân, Vân Tùng.

Những năm gần đây, cây đào được người dân các xã, thị trấn chú trọng trồng do giá cao và ổn định, mang lại thu nhập khá. Đến nay diện tích trồng đào của huyện Ngân Sơn có gần 18ha, diện tích cho thu hoạch đạt gần 8ha, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha. Từ nay đến năm 2025, huyện Ngân Sơn phấn đấu trồng mới thêm 8ha tại các xã Đức Vân, Vân Tùng và thị trấn Nà Phặc.

Theo bà Bàn Thị Ngân- Giám đốc Hợp tác xã Hợp Phát, thôn Nặm Làng: Hợp tác xã hiện có 20 thành viên, trồng được hơn 5ha cây dẻ ván, trong đó hơn 1ha đã cho thu hoạch. Nhờ sự hỗ trợ của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam Hợp tác xã đang cho trồng thêm hơn 10ha dẻ, hiện cây sinh trưởng và phát triển tốt. Những cây trồng cho thu hoạch quả đã có đơn vị từ Hà Nội lên đặt hàng nhưng sản phẩm chưa đáp ứng được số lượng, hơn nữa chưa có thiết bị chuyên dụng để bảo quản hạt dẻ sau thu hoạch. Chúng tôi rất mong được Nhà nước quan tâm hỗ trợ.

Ông Phạm Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn.
Ông Phạm Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn.

Theo ông Phạm Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển cây ăn quả của địa phương còn những hạn chế như: Vùng trồng tập trung quy mô còn nhỏ lẻ nên khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như tổ chức liên kết sản xuất; người dân chưa thực sự chú trọng áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thâm canh nên có một số diện tích cây trồng bị thoái hóa, kém phát triển, năng suất, chất lượng thấp; khâu thu hoạch, chế biến chủ yếu còn thủ công nên sản phẩm chưa nâng cao được tính cạnh tranh; việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Bởi vậy, trong thời gian tới, với những mục tiêu đã đặt ra, huyện sẽ từng bước khắc phục hạn chế, đặt ra các giải pháp mang tính lâu dài, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao ý thức tổ chức sản xuất; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cán bộ làm công tác chuyên môn chủ động phối hợp phổ biến đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, bảo quản. Quan tâm xây dựng phương án quảng bá, xúc tiến thương mại để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm. Sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đầu tư để triển khai đến người dân và các tổ chức thực hiện các mô hình, qua đó phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương./.

Đình Văn

Xem thêm

Video

Đọc báo in