Y tế và sức khỏe cộng đồng:

UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu

BBK - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Văn bản số 4790/UBND-VXNV chỉ đạo thực hiện Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

z5636664006464_afb9603d8ee3.gif
Tiêm vắc xin phòng bạch hầu đủ mũi và đúng lịch là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

Các cơ quan, đơn vị (Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo; Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn và UBND các huyện, thành phố) theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chủ động báo cáo, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo thẩm quyền.

Đối với Sở Y tế, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, chỉ đạo, tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kịp thời và thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Bảo đảm hậu cần, thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 04 tại chỗ./.

Bệnh bạch hầu ở trẻ em (Diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu với các triệu chứng điển hình gồm: Sự hình thành giả mạc dày, có màu trắng ngà bám chặt ở vùng hầu họng, tuyến hạnh nhân, thanh quản và mũi. Một số trường hợp, bệnh gây ảnh hưởng đến da và niêm mạc ở những khu vực khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục… Bệnh bạch hầu ở trẻ em có xu hướng xuất hiện theo mùa, khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Các tổn thương khi mắc bệnh không chỉ xuất phát từ nhiễm trùng mà còn gây ra bởi độc tính từ vi khuẩn bạch hầu, khiến người bệnh suy hô hấp, suy tuần hoàn, liệt màn khẩu cái, thậm chí là tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguy cơ tử vong do bệnh bạch hầu cao, lên đến 20% trong 6 – 10 ngày. Điều trị sớm bằng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót nhưng trẻ vẫn cần theo dõi và điều trị biến chứng lâu dài./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in