Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

Trường Cao đẳng Bắc Kạn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học

BBK -Thời gian qua, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Bắc Kạn còn được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giúp công tác dạy và học thêm hiệu quả.

z5963144262552-fa87968dd59d-9143-7402.gif
Học viên thực hành tại xưởng thực hành nghề Công nghệ ô tô.

Trường Cao đẳng Bắc Kạn được cấp phép đào tạo 19 nghề, gồm: 07 mã ngành/nghề trình độ cao đẳng, 08 mã ngành/nghề trình độ trung cấp, 04 nghề trình độ sơ cấp; Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp 01 mã nghề cao đẳng sư phạm Mầm non. Hiện nay, nhà trường tập trung đào tạo các lĩnh vực ngành nghề: Kỹ thuật Cơ khí; kỹ thuật Điện; Công nghệ ô tô; Nông nghiệp; Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng; Kế toán; Công nghệ thông tin; Sư phạm mầm non.

Mỗi năm nhà trường tuyển sinh 370 chỉ tiêu cao đẳng và trung cấp. Hiện nay, trường có 812 học sinh, sinh viên đang theo học, trong đó học hệ giáo dục thường xuyên là 520 học sinh.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, từ các nguồn vốn trong và ngoài nước, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề hiện đại. Xây dựng các nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại cho đào tạo nghề, đào tạo nguồn lực giáo viên đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, đạt chuẩn nhà giáo theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hiện nay, nhà trường đã được đầu tư xây dựng nhà học lý thuyết, phòng tích hợp giảng dạy các nghề; xưởng thực hành nghề Công nghệ ô tô với tổng diện tích gần 2.000m2; xưởng thực hành nghề Công nghệ Kỹ thuật cơ khí rộng gần 1.500m2; trang trại thực hành nghề thú y trên 1.000m2... đáp ứng nhu cầu thực hành, thực tập và nghiên cứu khoa học của các khoa chuyên môn.

Bên cạnh đó, nhà trường hiện có 1.238 danh mục các loại máy móc, trang thiết bị đào tạo, cơ bản đáp ứng tốt cho công tác đào tạo các ngành nghề theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nhờ đó đã giúp cải thiện điều kiện học tập đồng thời khẳng định cam kết của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phát triển toàn diện cho học sinh.

z5963202319512-0836246f03925d1b55bfade1573bfb89-5418-2712.jpg
Học viên lớp nghề Công nghệ kỹ thuật cơ khí thực hành tại xưởng.

Em Bàn Văn Đạt, học nghề Công nghệ kỹ thuật cơ khí (Khoa Cơ điện) K20 cho biết: "Nhà xưởng rộng rãi và nhiều thiết bị máy móc hiện đại học tập. Chúng em được thực hành rất nhiều để sau này có hành trang kiến thức vững chắc. Sau khi ra trường chúng em tự tin và có thể làm việc được ngay”.

Để đáp ứng công tác đào tạo, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, nhà trường cũng khuyến khích, hỗ trợ giảng viên nghiên cứu, sáng chế ra những thiết bị đào tạo để ứng dụng vào giảng dạy. Nhiều sáng chế hữu ích không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo mà còn đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Thầy giáo Vũ Tú Uyên, Phó Trưởng khoa Cơ điện Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho biết: "Để nâng cao chất lượng giảng dạy thì các thầy, cô giáo trong trường cũng như bản thân tôi luôn mày mò tìm hiểu để đưa những kiến thức từ thực tế vào giảng dạy. Trong các bài giảng tôi thường kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để giúp các em sau khi ra trường sẽ không còn bỡ ngỡ”.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị vào công tác dạy và học nghề là “chìa khoá” để giúp HSSV có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhiều công ty, doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in