Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ vùng cao Ba Bể

BBK -Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ba Bể đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội.

ba-be-4-7160.jpg
Các hoạt động truyền thông được các cấp Hội LHPN huyện Ba Bể triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức cho nam, nữ về bình đẳng giới.

Nà Hai là thôn đặc biệt khó khăn của xã Quảng Khê (Ba Bể) với 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Những năm trước đây, những định kiến, hủ tục lạc hậu, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại khiến cho phụ nữ và trẻ em gái nơi đây còn chịu nhiều thiệt thòi. Phụ nữ chỉ quanh quẩn với con lợn, con gà, lên nương, lên rẫy, làm việc nặng nhọc, không có tiếng nói trong gia đình.

Tuy nhiên, nhờ các hoạt động truyền thông của các cấp Hội Phụ nữ triển khai đã từng bước giúp nâng cao nhận thức cho phụ nữ và nam giới. Theo đó, nhiều định kiến, khuôn mẫu về giới, những tập tục có hại cho phụ nữ và trẻ em như bạo lực gia đình, trọng nam khinh nữ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã từng bước được xóa bỏ.

ba-be-3-2353.jpg
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên địa bàn huyện Ba Bể nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bình đẳng giới.

Mỗi khi ở nhà là anh Hoàng Văn Phú, thôn Nà Hai lại tranh thủ giúp vợ những công việc nhà như phơi ngô, bán hàng, đưa đón con cái đi học… Câu chuyện vốn ít khi xảy ra với những người đàn ông dân tộc Dao xưa kia, thì nay lại trở thành công việc hằng ngày tại gia đình anh.

Anh Hoàng Văn Phúc, thôn Nà Hai, xã Quảng Khê.

Anh Hoàng Văn Phúc chia sẻ: “Trước đây đàn ông dân tộc Dao chúng tôi còn nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ nên phụ nữ trong gia đình chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, từ khi tham gia các buổi truyên truyền tại thôn tôi đã hiểu hơn về bình đẳng giới trong gia đình. Vì vậy, tôi đã dành thời gian để chia sẻ với vợ việc nhà và chăm sóc con cái”.

Chị Triệu Thị Phương, vợ anh Phúc cho hay: “Mặc dù bận rộn với công việc nhưng chồng tôi vẫn giúp đỡ, san sẻ việc nhà và nuôi dạy con cái, tôi cũng đỡ vất vả, áp lực, cuộc sống gia đình vui vẻ và đầm ấm hơn”.

“Người Dao xưa kia rất nặng nề về chuyện sinh con trai, con gái. Phụ nữ không được ý kiến những việc trong gia đình, dòng họ, vì thế không có tiếng nói. Mọi công việc lớn nhỏ đều do người chồng quyết định, dẫn đến bất bình đẳng giới kéo dài. Tuy nhiên vài năm trở lại đây nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền lồng ghép tại thôn, nên nhận thức, nếp nghĩ của phụ nữ, nam giới và người dân đã thay đổi. Chị em phụ nữ được chia sẻ, quan tâm, được tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn”, chị Lý Thị Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nà Hai cho hay.

Chị Lý Thị Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nà Hai, xã Quảng Khê.

Đó chỉ là một trong rất nhiều những thay đổi về nhận thức của người dân ở các thôn vùng cao trên địa bàn huyện Ba Bể trong thời gian qua. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, công tác tuyên truyền đã được tổ chức đến tận thôn, bản thông qua lồng ghép với các cuộc họp thôn, chi bộ, Ban công tác Mặt trận, chi hội phụ nữ. Bất bình đẳng giới từng bước được xóa bỏ, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có tiếng nói trong gia đình và xã hội, được tạo điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động do Hội LHPN xã, huyện tổ chức.

Chị Đàm Thị Thơ, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Khê (Ba Bể).
ba-be-6-8694.jpg
Năm 2024, các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới được các cấp Hội Phụ nữ huyện Ba Bể triển khai sâu rộng hướng về cơ sở.

Được biết, từ đầu năm đến nay Hội LHPN huyện Ba Bể đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức 01 buổi nói chuyện chuyên đề về “Bình đẳng giới - chìa khóa vàng của hạnh phúc” cho hơn 200 cán bộ, hội viên, các tổ trưởng tổ truyền thông cộng đồng của các xã. Đồng thời, Hội LHPN các cấp trong huyện đã tổ chức được 04 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở, 08 chiến dịch truyền thông, 15 hội thi tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới.

Bà Ma Thị Lịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Bể cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhiều chương trình, dự án được triển khai đồng bộ, sâu rộng đến tận các thôn vùng cao như: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, học nghề, giải quyết việc làm, vay vốn, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Qua đó, giúp chị em phụ nữ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới, rất cần sự chung tay, vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, Hội, đoàn thể của của cả cộng đồng./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in