Thể chế hóa các nghị quyết thành luật pháp để thực thi có hiệu quả

Trong hai ngày 31-7 và 1-8, tại Hà Nội, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2006. Phiên họp tiến hành dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Phạm Gia Khiêm, bàn về các nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng X và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010; các dự thảo Nghị định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; Nghị định bổ sung Nghị định số 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với công ty nhà nước; Nghị định về doanh nghiệp khoa học - công nghệ; các dự án Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; Luật các Vùng biển Việt Nam; Pháp lệnh về bảo vệ các công trình, mục tiêu trọng điểm về an ninh quốc gia; các báo cáo chuyên đề về kết quả đàm phán gia nhập WTO; kiểm điểm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2006, kết quả giao ban sản xuất, đầu tư và xuất nhập khẩu; về công tác thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo quý II năm 2006.

Cải tiến và nâng cao hiệu quả phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ và đại biểu mời họp phát biểu ý kiến ngắn gọn, trên tinh thần quán triệt Nghị quyết Đại hội X, phát biểu thẳng vào vấn đề và cụ thể hóa thành những biện pháp đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng X và Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 cần chú trọng đi vào những vấn đề xây dựng thể chế. Các bộ, ngành chủ động đề xuất những vấn đề nào của ngành cần được thể chế hóa thành luật, thành nghị định hoặc đề án của Chính phủ, đồng thời phải hoạch định lộ trình thực hiện cụ thể.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2006 tiếp tục xu hướng phát triển tích cực. Tính chung bảy tháng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,5% so với tháng 7 năm 2005 (16%); trong đó khu vực ngoài nhà nước tăng 21,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8%; khu vực nhà nước tăng 9,6%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển.

Tính đến ngày 15-7, cả nước gieo cấy được hơn 1,1 triệu ha lúa mùa, tăng 13% so với vụ năm trước. Dịch cúm gia cầm tiếp tục được khống chế, sau bảy tháng trên toàn quốc không phát sinh ổ dịch mới. Các biện pháp phòng, chống dịch lở mồm, long móng tiếp tục được thực hiện và khống chế không để dịch lây lan.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 3,5 tỷ USD. Tính chung cả bảy tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 22,34 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 18,1%). Kim ngạch xuất khẩu bình quân bảy tháng năm 2006 đạt 3,19 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 2,48 tỷ USD/tháng của cùng kỳ năm 2005.

Các hoạt động xã hội tiếp tục phát triển tốt cả trong giải quyết lao động, việc làm, y tế - chăm sóc sức khỏe, thể dục - thể thao. Tình hình trật tự - an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Tích cực và kịp thời khắc phục hậu quả của thiên tai, mưa lũ...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành cần triển khai thực hiện trong những tháng cuối năm các nhóm giải pháp đã được Chính phủ kết luận tại Nghị quyết 01/2006/NQ-CP và các Nghị quyết các phiên họp Chính phủ thường kỳ nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nhất là nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN, tìm ra nguyên nhân vì sao khu vực này luôn tăng trưởng thấp hơn để có những giải pháp phù hợp.

Đầu tư cho phát triển cũng có chiều hướng chậm lại, tốc độ giải ngân chậm, đặc biệt là đối với các nguồn vốn tập trung vào những công trình, dự án lớn, những công trình sử dụng trái phiếu Chính phủ. Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề lớn, cần tập trung tháo gỡ để thúc đẩy đầu tư. Trong các lĩnh vực xã hội, Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo ngay từ đầu năm học mới cần phải tạo được chuyển biến trên cơ sở những nhân tố tích cực mới đây của ngành...

Trong công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng nêu những tồn tại, yếu kém như chất lượng xây dựng và ban hành văn bản pháp luật chưa cao, các văn bản pháp luật ban hành còn chồng chéo, các văn bản hướng dẫn luật cũng rất chậm...

Tìm giải pháp tháo gỡ trong lĩnh vực này, Thủ tướng chỉ đạo các bộ trưởng phải đề cao trách nhiệm cá nhân, coi việc xây dựng văn bản pháp luật là nhiệm vụ chính trị lớn của bộ, ngành; tăng cường kiểm tra đôn đốc và chỉ đạo phối hợp công tác xây dựng văn bản pháp luật; kiểm soát chặt chẽ nội dung của văn bản bảo đảm đúng đắn và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các bộ, ngành chú trọng xây dựng bộ máy pháp chế đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ.

Cải tiến mạnh mẽ quy trình xây dựng văn bản pháp luật trong toàn bộ hệ thống hành chính Nhà nước, xóa bỏ quy trình, thủ tục rờm rà, không cần thiết; tăng cường trách nhiệm và cải tiến quy trình thẩm định, tham mưu của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

Trong công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát chương trình hành động chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm của bộ, ngành mình, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc xảy ra tại từng bộ, ngành trên tinh thần xử lý đúng người, đúng việc, không để lọt tội nhưng cũng không để xảy ra oan sai. Rà soát các quy định hiện thời không còn phù hợp để loại bỏ hoặc sửa đổi, thay thế nhằm triệt để tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí./

Xem thêm

Video

Đọc báo in