Thay đổi nhận thức về học nghề

BBK - Vốn được xem là lựa chọn cuối khi học sinh không có cơ hội vào lớp 10 THPT hay cao đẳng, đại học, nhưng với những đổi mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và thực tế trong những năm gần đây, xã hội đang từng bước có cái nhìn khác hơn về học nghề.

Cũng giống như nhiều học viên tham gia học nghề, chị Lê Thị Dịu, hiện ở tổ 13, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) cho biết: Việc học nghề phù hợp với nguyện vọng cá nhân và điều kiện thực tế của gia đình. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã có thu nhập ổn định từ việc kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

img-20220630-842.jpg
Chị Lê Thị Dịu có thu nhập ổn định từ việc kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

Hiện nay, cơ sở vật chất, trình độ của đội ngũ nhà giáo GDNN của tỉnh ngày càng được nâng lên, chương trình đào tạo sát với nhu cầu của thực tế sản xuất và yêu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Nhà nước cũng đang có rất nhiều chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho học sinh khi theo học các cấp trình độ GDNN. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo nghề đã có sự liên kết với doanh nghiệp nên tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có việc làm, có thu nhập ổn định các năm gần đây khá cao. Điều này càng góp phần làm thay đổi nhận thức về học nghề của học sinh nói riêng và người dân nói chung.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 đơn vị tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm: Trường Cao đẳng Bắc Kạn, 07 trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện, 01 trung tâm GDNN tư thục, 08 doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, 02 trường trung cấp thực hiện liên kết đào tạo.

Từ thực tế cho thấy, Trường Cao đẳng Bắc Kạn, đã xây dựng cơ chế phối hợp 3 bên (Nhà trường - Doanh nghiệp - Người học), để các doanh nghiệp tham gia đóng góp những nội dung cần thiết, phù hợp với thực tiễn của sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, thường xuyên cử cán bộ nắm bắt nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và làm cầu nối giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Hiện nhà trường đã ký cam kết hợp tác đào tạo với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc này bảo đảm toàn bộ người học được thực tập và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Đang học trung cấp Công nghệ kỹ thuật cơ khí tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn, em Nguyễn Văn Tuấn cũng chia sẻ: Việc lựa chọn học nghề tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn rất phù hợp với điều kiện của cá nhân em. Em mong muốn sau khi học xong có được việc làm, thu nhập ổn định để nâng cao đời sống cho bản thân và giúp đỡ gia đình.

Bảo đảm việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, công tác điều tra, rà soát nhu cầu học nghề được ngành, cơ quan chuyên môn tiến hành thường xuyên. Chương trình đào tạo được thiết kế chú trọng đến hình thành năng lực thực hiện trọn vẹn một hoặc một số công việc của nghề, cung cấp kỹ năng thực hành nghề và các kỹ năng mềm (an toàn lao động, kỹ năng làm việc theo nhóm...) cho người học.

Cùng với đào tạo nghề trình độ trung cấp, thực hiện các chương trình MTQG, các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề dưới 03 tháng.

Ông Vũ Hùng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Chợ Mới: Chúng tôi luôn tập trung phối hợp tuyên truyền, tư vấn để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho học viên lựa chọn nghề cần học và có việc làm sau khi học nghề. Duy trì công tác điều tra, rà soát nhu cầu học nghề để chọn các ngành nghề gắn với nhu cầu của người dân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện... Chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

thuc-hanh-1093.jpg
Thực hành tại lớp "Nuôi và phòng trị bệnh cho gà và thủy cầm" ở Bản Đồn, xã Hòa Mục (Chợ Mới).

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Hữu Nghĩa ở Bản Đồn, xã Hòa Mục (Chợ Mới) đang tham gia lớp đào tạo nghề "Nuôi và phòng trị bệnh cho gà và thủy cầm" cho biết: Giảng viên truyền đạt lý thuyết và những kỹ thuật trong quá trình thực hành rất dễ hiểu, giúp học viên nắm được những kiến thức cơ bản về chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi. Qua lớp học mọi người có thêm kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào phát triển chăn nuôi của gia đình một cách hiệu quả nhất.

Theo Sở LĐ-TB&XH, từ chỉ tiêu được giao, đơn vị luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức đa đạng về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề đào tạo, thị trường lao động, việc làm, xuất khẩu lao động… Giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 30.200 người, phần lớn là trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng; từ đầu năm 2024 đến nay đã tuyển sinh và đào tạo 5.382/6.000 người, đạt 89,7% kế hoạch.../.

Xem thêm

Video

Đọc báo in