Thanh niên xung phong – Kí ức của một thời thanh xuân

BBK - Đã mấy chục năm trôi qua, mái tóc đã bạc, lưng cũng đã còng, da điểm mồi nhưng đối với nhiều cựu thanh niên xung phong, ký ức về những tháng ngày tuổi trẻ gian khó, hào hùng được cống hiến cho Tổ quốc ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí.

Tình yêu nở hoa trong gian khó

“Chim kia ơi hỡi dừng bay, để anh gửi thư này đến em"… Nội dung lá thư đầu tiên mà ông Biên gửi cho bà Sơn cách đây 60 năm, khi cả 2 cùng tham gia thanh niên xung phong mở đường vẫn được ông Biên nhớ rõ.

98.jpg
Vợ chồng cựu thanh niên xung phong Dương Xuân Biên và bà Nông Thị Sơn.

Theo giới thiệu của Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, chúng tôi tìm đến gia đình ông Dương Xuân Biên và bà Nông Thị Sơn, tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) vào một buổi chiều tháng 7.

Thời gian đã trôi qua rất lâu, nhưng câu chuyện tình yêu kết trái của đôi vợ chồng cựu thanh niên xung phong vẫn luôn được đồng đội nhắc đến, như ghi nhớ một tuổi trẻ sôi nổi, cống hiến. Nhấp chén nước chè hồi tưởng lại khi còn thanh niên, ông Dương Xuân Biên chia sẻ: Đầu năm 1964, hai ông bà cùng tham gia thanh niên xung phong mở tuyến đường từ Thác Giềng vào Na Rì. Cả đơn vị có 75 người, hai ông bà ở khác tổ. Ông là tổ trưởng phụ trách 25 người. Thời ấy yêu đương không công khai vì quản lý rất nghiêm, chỉ dám lén lút viết thư cho nhau. Tuần 1 – 2 lần và trực tiếp đưa cho nhau, nội dung thư chủ yếu động viên nhau cố gắng bởi lúc đó khó khăn, bữa ăn chỉ có rau rừng hoặc cơm chấm muối. Hằng ngày mở đường, cuốc đất, đẩy xe đổ đất, san lấp… hoàn toàn bằng sức người. Đến đầu năm 1966, ông Biên được cử đi học lái xe tại Thái Nguyên, giặc bắn phá khắp nơi nên thông tin liên lạc cũng bị đứt đoạn, đến khi gia đình giục lấy vợ thì ông bảo bố mẹ đi hỏi bà Sơn.

Đến đây, bà Sơn không giấu được nụ cười hạnh phúc chia sẻ: Lúc ông đi học, bà vẫn tiếp tục mở đường cùng đồng đội, cũng không có liên lạc gì, biền biệt hơn năm. Cứ ngỡ duyên đến thế là hết. Ai ngờ bà nhận được thư của gia đình bảo xin nghỉ về cưới. Không biết chú rể là ai, cũng không dám trái lời bố mẹ, liên lạc lúc đó bằng thư nên rất lâu. Về nhà mới biết gia đình ông Biên đến xin hỏi cưới. Ông bà cưới nhau vào cuối năm 1966, hai vợ chồng lại tiếp tục xa nhau, phải 4 năm sau ông bà mới có con đầu lòng.

Dù có trải qua bao khó khăn trong cuộc sống, câu chuyện tình yêu của hai cựu TNXP là minh chứng “kết trái ngọt” trong những ngày khoét núi, san đường. Hiện, ông Biên là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Huyền Tụng, bà Sơn mở cửa hàng tạp hóa. Với ông bà, dù tuổi cao nhưng vẫn luôn phải sống khỏe, có ích.

Vượt mưa bom, bão đạn để mở đường

Năm nay, ông Đinh Quang Huy, tổ 9, phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn) đã gần 90 tuổi. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn minh mẫn, kể lại kí ức một thời “nằm gai nếm mật” mở đường, lấp hố bom. Năm 1952, khi ấy ông mới 16 tuổi, trúng tuyển đi thanh niên xung phong thuộc C110, đơn vị 42. Đơn vị của ông có nhiệm vụ mở đường từ Cao Bằng để vận chuyển hàng hóa, lương thực cho mặt trận Điện Biên Phủ. Hằng ngày mở đường, ăn uống thiếu thốn, đôi khi chỉ có cháo hay ngô bung thay cơm. Dù vậy, ai cũng hăng hái làm việc, lấm lem bùn đất cũng vẫn nở nụ cười.

001.jpg
Cựu thanh niên xung phong Đinh Quang Huy.

Cuối năm, ông Huy được phân công lên Tây Bắc. Đến nơi đơn vị nhận nhiệm vụ mở đường từ Lai Châu sang Trung Quốc. Không nhớ chính xác dài bao nhiêu ki-lô-mét nữa, chỉ nhớ ngày mở đường, san lấp và tối đến dựng 4 cái cột lên và lấy lá chuối về lợp để ngủ, che mưa đằng đẵng 2 năm- ông Huy nhớ lại. Đây là con đường mở mới, nhằm phục vụ vận chuyển thực phẩm, thuốc men, đạn dược… từ Trung Quốc về tiếp viện cho Điện Biên nên bị địch thường xuyên bắn phá. Bom bỏ đâu thì quân ta hành quân đến đó san lấp để đoàn xe đi.

Quay ngược thời gian, kí ức về những ngày gian khó đầy ý chí ấy ông Huy xúc động nói “Thời gian ấy, cứ máy bay địch ngớt ném bom là lực lượng thanh niên xung phong ào ra san lấp hố bom, gỡ bom nổ chậm, đảm bảo cho xe thông tuyến. Hôm nào trời mưa, đất nhão trơn, anh em chặt cây mang đến chống lầy, chống lún, làm lại cầu, mở đường tránh… bằng mọi biện pháp để cho xe ô tô, xe thồ quân ta đi qua an toàn. Có khi chúng tôi đang thông đường thì bị máy bay địch phát hiện và bom đạn lại dội xuống, nhiều đồng đội của chúng tôi đã hy sinh… Dù khó khăn, nguy hiểm, nhưng tất cả chúng tôi đều quyết tâm không để ách tắc giao thông.”

Dòng kí ức đau thương

Trong chiến tranh, sự mất mát là điều khó tránh khỏi , những kí ức đau thương không bao giờ có thể quên được với những người may mắn sống sót. Trong những ngày tháng 7 khi cả nước hướng đến tri ân những anh hùng thương binh, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, chúng tôi được nghe câu chuyện của bà Ngôn Thị Túc, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Ba Bể.

033.jpg
Bà Ngôn Thị Túc, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Ba Bể.

Tháng 10/1972, khi đang học lớp 7, bà Ngôn Thị Túc, xã Nam Mẫu viết đơn tình nguyện tham gia đội thanh niên xung phong. Lúc đó bà 17 tuổi, trong xã có 3 chị em cùng đi là Túc, Tốt, Tấm. Các bà thuộc Đội 91, đơn vị 915P11, nhiệm vụ chính là khai thác đá sỏi, làm đường từ Trại Cau lên Linh Sơn (Thái Nguyên). Ngày 24/12/1972, có quyết định vận chuyển hàng hóa, lương thực ở Lưu Xá, Gia Sàng. Mọi người ăn cơm sáng với nước mắm, cơm hôm đó không chín kỹ nhưng ai cũng tranh thủ ăn nhanh. Lãnh đạo đơn vị đọc danh sách đi làm nhiệm vụ 66 người, chia thành 3 xe ô tô. Ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi, mang theo đầy đủ quân tư trang. Đến Gia Sàng, chỉ thấy toàn bột mì, bởi biết đây là kho lương thực của quân ta nên chắc chắn địch sẽ bắn phá nên phải nhanh chóng di dời. Mọi người để đồ tập trung và bắt đầu làm việc, vận chuyển bột mì lên xe, không biết mệt mỏi. Đến trưa mỗi người được bát cháo, lại có báo động, mọi người cùng chạy vào hầm trú ẩn. Trận bắn phá đi qua, công việc vận chuyển lại tiếp tục. Chiều bà thấy đói, mua được 4 cái bánh nướng 3 hào chia nhau mỗi người một góc.

Đến 6 giờ chiều có còi báo động, mọi người chưa được ăn gì chạy vào hầm trú ẩn, tiếng bom nổ ngoài sân, gió lùa vào cửa hầm rất lớn, sau đó bà ngất đi. Không biết trải qua bao lâu, khi tỉnh lại đã bị đất vùi đến ngực, không nhìn thấy gì xung quanh nhưng vẫn nghe thấy tiếng kêu cứu của người bị thương. Trong đêm tối, bà cố gắng dùng tay bới đất để đẩy người lên, cả người đau nhức. Sau đó, được đồng đội đưa đi viện điều trị, khi trở lại đơn vị mới biết trận đánh bom ấy đã cướp đi 60 đồng đội, bà may mắn là 1 trong 7 người sống sót. Huyện Chợ Rã đi thanh niên xung phong đợt ấy có 10 người thì 9 người hy sinh, còn bà bị thương. Bây giờ mỗi khi sấm sét, tiếng động lớn lại khiến bà bị giật mình, sợ hãi. Mỗi lần trở lại viếng đồng đội, bà đều không kìm được nước mắt, những đồng đội hy sinh năm ấy đều đang ở độ tuổi đôi mươi, ai nấy đều khỏe mạnh và nhiều ước mơ chưa thực hiện được.

Chiến tranh đã lùi xa, những kí ức về một thời thanh xuân “phá đá, mở đường” dù gian khổ, hy sinh, dù người còn, người mất nhưng những thanh niên xung phong thuở nào vẫn không hề hối tiếc khi đã có một tuổi trẻ thật xứng đáng vì đã góp sức trẻ, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in