Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024:

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm

BBK - Tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, để đạt kết quả như mong muốn, cần sự tham gia quyết liệt hơn từ các cấp, ngành và địa phương.

Xác định mục tiêu, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2025 (phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% trở lên, giải quyết việc làm cho 6.400 lao động/năm), ngày 27/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2025 (Chỉ thị số 08-CT/TU).

6017302074-937-4154.jpg
Hướng dẫn học viên thực hành tại lớp đào tạo nghề "Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm" do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Mới phối hợp tổ chức tại Bản Đồn, xã Hòa Mục.

Sau khi Chỉ thị số 08-CT/TU được ban hành, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo quán triệt, triển khai đến cán bộ chủ chốt, đảng viên; tổ chức tuyên truyền đến công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 564/KH-UBND, ngày 14/9/2021 về thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU; 8/8 huyện, thành ủy đều ban hành văn bản triển khai thực hiện.

Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt một số nội dung cốt yếu, gồm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, vận động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp với điều kiện của tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; đa dạng các hình thức tư vấn, kết nối cung - cầu lao động mở rộng các hình thức “chợ việc làm”, “sàn giao dịch việc làm”...

Trên cơ sở nhiệm vụ tại Chỉ thị số 08-CT/TU, UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở Nội vụ chủ trì thực hiện nội dung sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập. Sở Nội vụ đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh giữ nguyên tổ chức bộ máy trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện như hiện nay.

Về cơ bản, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề công lập (08 cơ sở tham gia hoạt động GDNN đang hoạt động ổn định, gồm: Trường Cao đẳng Bắc Kạn và 07 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, trong đó cả tỉnh có duy nhất Trường Cao đẳng Bắc Kạn là cơ sở GDNN) đã bảo đảm cho người dân có cơ hội được tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân.

96593813-9908-8665.jpg
Hoạt động đào tạo nghề theo các chương trình MTQG được đẩy mạnh, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiệu quả lao động, nâng cao thu nhập của người dân.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được củng cố, đầu tư nâng cấp; chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, các nghề đào tạo bám sát nhu cầu thị trường lao động, để sau học nghề người lao động có thể tự tạo việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, chất lượng cao hơn.

Để thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; ban hành văn bản triển khai thực hiện. Các địa phương, đơn vị đã thực hiện khảo sát nhu cầu đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp thông tin, đăng ký nhu cầu nhân lực qua đào tạo phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 19 đơn vị tham gia hoạt động GDNN, gồm: Trường Cao đẳng Bắc Kạn, 07 trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện, 01 trung tâm GDNN tư thục, 08 doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, 02 trường trung cấp thực hiện liên kết đào tạo.

Tại huyện Bạch Thông, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng sau 03 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Các ngành, nghề đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu người lao động, phần lớn lao động sau khi được đào tạo đã vận dụng kiến thức được vào lao động sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Theo thống kê, đã tổ chức mở 29 lớp đào tạo nghề với gần 1.200 người tham gia; có 895 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, đơn vị sản xuất ở ngoài tỉnh; có hơn 60 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại các địa phương khác, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được đẩy mạnh. Kết quả đạt được góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Đối với các địa phương, công tác đào tạo nghề tập trung thực hiện đào tạo nghề dưới 3 tháng theo các chương trình MTQG, đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tham gia lớp đào tạo nghề "Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm" do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Mới phối hợp tổ chức tại địa phương, anh Hoàng Hữu Nghĩa ở Bản Đồn, xã Hòa Mục cho biết: Để phát triển kinh tế, từ điều kiện thực tế của gia đình nên đã đăng ký học. Các kiến thức về kỹ thuật do giảng viên truyền đạt khá dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tế. Chắc chắn những kiến thức này sẽ giúp hoạt động chăn nuôi gà của gia đình đạt hiệu quả cao hơn. Mong rằng các cấp, ngành tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề hơn nữa để người dân tiếp cận kiến thức kỹ thuật áp dụng vào thực tế sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập.

Kết quả đạt được và mục tiêu hướng tới đến năm 2025

Là cơ sở GDNN duy nhất, đơn vị đào tạo nghề lớn của tỉnh, Trường Cao đẳng Bắc Kạn được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TBXH) cấp phép đào tạo 19 nghề, gồm 07 mã ngành/nghề trình độ cao đẳng, 08 mã ngành/nghề trình độ trung cấp, 04 nghề trình độ sơ cấp; Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp 01 mã nghề cao đẳng sư phạm Mầm non. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã xây dựng cơ chế phối hợp 3 bên (Nhà trường - Doanh nghiệp - Người học), để các doanh nghiệp tham gia đóng góp những nội dung cần thiết, phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Hiện nhà trường đã ký cam kết hợp tác đào tạo với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc này bảo đảm toàn bộ người học được thực tập và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

tuan-3186-6870.jpg

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU và để làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh, đào tạo phù hợp. Thời gian qua, nhà trường tập trung đào tạo các lĩnh vực ngành/nghề: Kỹ thuật cơ khí; kỹ thuật điện; công nghệ ô tô; nông nghiệp; du lịch - khách sạn - nhà hàng; kế toán; công nghệ thông tin; sư phạm mầm non. Mỗi năm nhà trường tuyển sinh 370 chỉ tiêu cao đẳng, trung cấp; hàng nghìn chỉ tiêu đào tạo nghề ngắn hạn, liên kết. Qua công tác lần vết hằng năm cho thấy, tỷ lệ HSSV của trường đã tốt nghiệp có việc làm, có thu nhập chiếm từ 80% trở lên.

Ông Bế Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn

Em Nông Đức Khánh, học sinh lớp trung cấp Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí K20, Trường Cao đẳng Bắc Kạn, cho biết: Quá trình học, ngoài thời gian học lý thuyết, em và các bạn được thầy giáo, nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện thực hành trên hệ thống trang thiết bị hiện đại. Với kiến thức, kỹ năng được trang bị, em mong muốn sau khi học xong có thể tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.

khanh-5814-6346.jpg
Em Nông Đức Khánh, học sinh lớp trung cấp Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí K20, Trường Cao đẳng Bắc Kạn (bên trái ảnh) trong một giờ thực hành.

Trên phạm vi toàn tỉnh, theo thống kê, trong giai đoạn 2021 - 2023, đã tuyển mới và đào tạo nghề được 24.099 người, trong đó, chủ yếu là đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng, tiếp đến lần lượt là sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; giải quyết việc làm cho 21.595 người (trong đó đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 2.395 người); tư vấn giới thiệu việc làm 29.245 người.

Nhìn chung, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ngày càng được nâng cao. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực. Việc tạo việc làm cho người lao động qua chính sách việc làm công, vay vốn giải quyết việc làm, đi làm việc ở trong nước và nước ngoài theo hợp đồng đã tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ kết quả đạt được, tỉnh Bắc Kạn xác định mục tiêu chủ yếu đến năm 2025, gồm: Giải quyết việc làm cho 6.400 người/năm; số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 700 người/năm; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.000 người/năm, trong đó số lao động tìm được việc làm 500 người; hằng năm, đào tạo nghề cho 6.000 lượt người trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 50% trở lên.

Đồng chí Đỗ Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết: Từ kết quả đã đạt được, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU, Đảng ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Giám đốc Sở xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan. Trong đó, chú trọng phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiệu quả nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Củng cố và mở rộng thị trường lao động phù hợp với trình độ, tay nghề, nhu cầu việc làm của người lao động; nâng cao năng lực dự báo nhu cầu sử dụng, nhu cầu đào tạo nghề của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm trong hoạt động thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in