Tăng cường truyền thông về bình đẳng giới

BBK - Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng. 

long 3.jpg
Thi tiểu phẩm truyền thông về bình đẳng giới.

Theo đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức các chiến dịch truyền thông, nói chuyện chuyên đề, hội thảo, hội thi, giao lưu tìm hiểu kiến thức về Luật Bình đẳng giới, phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Mới đây, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới" thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, tuyên truyền viên đến từ các xã của 08 huyện, thành phố đang thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

long 5.jpg
Việc tuyên truyền được tổ chức theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Hội thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, với 3 phần thi, gồm: Chào hỏi, tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới và thi tiểu phẩm truyền thông có nội dung liên quan đến chủ đề hội thi. Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, các đội đã gửi đến Hội thi những thông điệp truyền thông ý nghĩa về vấn đề bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chị Ngô Thị Nhị, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Thỉ 1, xã Nông Hạ (Chợ Mới).

Chị Ngô Thị Nhị, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Thỉ 1, xã Nông Hạ (Chợ Mới) cho hay: “Qua hội thi lần này, tôi đã có thêm nhiều kiến thức về bình đẳng giới, hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Qua đó giúp tôi có thêm kỹ năng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ trong thôn, nhất là phụ nữ dân tộc Dao”.

long 1.jpg
Vấn đề bình đẳng giới trên tất cả lĩnh vực của đời sống đã được sân khấu hóa, thu hút đông đảo người xem.

Đến từ xã có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chị Ngô Thị Kia, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cốc Slông, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) chia sẻ: “Nhờ đẩy mạnh truyền thông nên nhận thức của hội viên phụ nữ và người dân trong thôn tôi đã có nhiều thay đổi. Giờ đây phụ nữ dân tộc Mông được quan tâm tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương, có tiếng nói trong chăm sóc, nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế gia đình”.

Chị Ngô Thị Kia, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cốc Slông, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn).

Hội thi “Tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới” là sân chơi bổ ích, kết hợp với truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới cho hội viên phụ nữ, người dân. Từ đó góp phần tăng cường kiến thức, hiểu biết của phụ nữ và cộng đồng về bình đẳng giới, phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

phu nu 3.jpg
Thi tìm hiểu kiến thức về Luật Bình đẳng giới.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức được 159 hội thảo, hội thi tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, giao lưu chia sẻ kiến thức về “Giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá, ứng xử tốt đẹp và thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em”… thu hút trên 15.000 cán bộ, hội viên phụ nữ cùng người dân tham gia cổ vũ.

Đồng thời các cấp Hội còn tổ chức được 296 chiến dịch truyền thông, các cuộc nói chuyện chuyên đề về thay đổi khuôn mẫu giới, bình đẳng giới, phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… thu hút trên 15.000 người tham dự.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Việc tổ chức hội thi theo hình thức sân khấu hóa giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền”.

Việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ và cộng đồng về việc xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in