Để thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo Liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo Liên ngành về an toàn thực phẩm các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực, địa bàn quản lý tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc sau:
Một là, tiếp tục tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm ở các cấp đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Hai là, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các huyện, thành phố cần tăng cường kiểm tra đối với Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm xã, phường, thị trấn. Rà soát, chấn chỉnh ngay tình trạng áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực trong ban hành văn bản hành chính ở xã, phường, thị trấn (nội dung này đã được chỉ đạo trong năm 2023 nhưng qua kết quả kiểm tra năm 2024 vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị)...
Ba là, tăng cường tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý, đảm bảo đúng quy định; xử lý vi phạm hành chính và công khai cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật; quản lý tốt an toàn thực phẩm, không để các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoạt động...
Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm tại cấp huyện, cấp xã; phát sóng thông điệp đảm bảo an toàn thực phẩm, truyền thông lồng ghép, sử dụng các tài liệu truyền thông tập trung vào các đối tượng đích như: Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm các cấp, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm, ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên như nấm độc, củ ấu tẩu...
Năm là, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động rà soát nhu cầu đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về an toàn thực phẩm của địa phương và đề xuất, đăng ký nhu cầu với các Sở quản lý chuyên ngành tỉnh để xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo, tập huấn đảm bảo hiệu quả.
Sáu là, các sở, ngành tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu thực phẩm và thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; thực hiện giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý./.