Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần này gồm 06 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm 4 điều mới; bỏ 01 điều so với Luật Công đoàn 2012).
Trong phiên thảo luận, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về nhiệm vụ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động, vì dự thảo chưa có quy định về cơ chế để công nhân, người lao động có nhu cầu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được tiếp cận với nhà ở xã hội, chưa đề xuất phương án quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn như thế nào để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo công khai, minh bạch, hợp lý, bình đẳng giữa các đối tượng thụ hưởng, do đó cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát để bổ sung các quy định có liên quan đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi). Có đại biểu đề nghị làm rõ tỷ trọng dự kiến dành cho chi đầu tư nhà ở xã hội trong cơ cấu nhiệm vụ chi và cần có cam kết nhiệm vụ chi này không làm ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chi đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên và người lao động.
Liên quan đến các quy định về kinh phí công đoàn, có ý kiến đề nghị dự thảo luật cần bổ sung rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Việt Nam nói chung và Tổng Liên đoàn Việt Nam nói riêng; quy định rõ hơn những nguyên tắc, tiêu chí để xác định, chẳng hạn như doanh nghiệp gặp khó khăn ở mức độ nào sẽ đủ điều kiện được miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn; đề nghị nghiên cứu để có chính sách, chế độ đặc thù đối với đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động, người dân tộc thiểu số đang sống ở vùng đặc biệt khó khăn để có những chính sách miễn, giảm tỷ lệ đóng công đoàn phí cho phù hợp…
Cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu đầy đủ, xác đáng, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật./.