Đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đề nghị bổ sung “Hợp tác xã” là đối tượng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 10 dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) |
Thảo luận về Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn bày tỏ sự thống nhất đối với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giá nhằm khắc phục những quy định đang mâu thuẫn, chưa thống nhất với một số pháp luật hiện hành. Về thẩm quyền thẩm định giá của các cơ quan liên quan, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, đánh giá kỹ việc thu hẹp thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với nội dung cần trình so với luật hiện hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, việc thẩm định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá vẫn thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp Quốc hội giao. Đồng thời, nhất trí với việc giao cho HĐND cho ý kiến đối với Quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp UBND xin ý kiến. Quan tâm đến quy định về chính sách xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về giá tại Điều 42, đại biểu Ngân đề nghị phải quy định rõ nguồn ngân sách nhất định để đảm bảo cho việc thực hiện.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận về Luật Giá (sửa đổi). |
Về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), một số ý kiến đại biểu quan tâm đến các quy định cụ thể liên quan đến đấu thầu tài sản công nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế trong các cơ sở y tế công lập như thời gian vừa qua. Thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn phân tích một số quy định cụ thể về việc ưu đãi lựa chọn nhà thầu và đề nghị xem xét bổ sung vào Điều 10 về Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối tượng là “Hợp tác xã” cho đầy đủ, vì đây là đối tượng cần ưu tiên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển hoạt động và phù hợp với việc sửa đổi Luật Hợp tác xã đang được Quốc hội xem xét, thông qua.
Đối với việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin nơi sinh trên hộ chiếu, theo Tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân trên hộ chiếu sẽ tạo thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu. Bên cạnh đó, không làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí do hiện nay trong mẫu tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, giấy thông hành hiện hành đã có mục thông tin về “nơi sinh”, đây là thông tin bắt buộc công dân phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân của hộ chiếu như các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, do yêu cầu về thời gian thực hiện việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân hộ chiếu là trước ngày 01/01/2023 nên không bảo đảm thời gian để thực hiện quy trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hoặc ban hành một Nghị quyết riêng của Quốc hội về nội dung này. Do đó, đề nghị Quốc hội đưa nội dung trên vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ tư và cho rằng việc bổ sung như vậy là bảo đảm về hình thức văn bản thể hiện quyết định của Quốc hội./.
Ái Vân