Quốc hội làm công tác nhân sự và thảo luận về tăng lương

BBK - Chiều 25/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền và thảo luận tại Tổ về các nội dung cải cách tiền lương.

Phien hop chieu 25.jpg
Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về cải cách tiền lương.

Với 449/450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quốc hội cũng đã biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV với ông Đinh Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Tổ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024 và Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Cơ bản các đại biểu đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, trong đó: Đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm 2 nội dung: (1) điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024, quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước áp dụng từ ngày 01/01/2025.

Đối với cải cách tiền lương khu vực công: Hoàn thiện chế độ nâng lương, bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 01/7/2024 (bằng 10% quỹ lương cơ bản), quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương và hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 01/7/2024 với 03 nội dung sau: (1) Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); (2) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý; (3) Thực hiện bảo lưu tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024 như sau: (1) Tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, đồng thời đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng; (2) Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; (3) Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%); (4) Sớm báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về việc mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế.

Theo Chương trình, các nội dung về thực hiện cải cách tiền lương là một nội dung trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc Kỳ họp./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in