Trẻ em thôn Nà Lìu đến học đàn Tính, hát Then tại nhà chị Phùng Thị Sim. |
Ở thôn Nà Lìu, xã Quang Thuận (Bạch Thông) có một người phụ nữ dân tộc Tày đam mê cây đàn Tính cùng những làn điệu Then và miệt mài "truyền lửa” cho trẻ em trong thôn, trong xã, đó là chị Phùng Thị Sim.
Chị Phùng Thị Sim ở thôn Nà Lìu, xã Quang Thuận (Bạch Thông) mở lớp dạy hát Then miễn phí cho trẻ em tại địa phương. |
“Thời gian tới, tôi dự tính mở lớp online dạy hát Then, đàn Tính để mọi người có thể tham gia học. Tôi mong muốn làn điệu hát Then sẽ được đưa vào các nhà trường nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày”, chị Sim tâm sự.
Để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều phụ nữ dân tộc Tày ở Bắc Kạn đang nỗ lực truyền dạy các điệu hát Then và sưu tầm nhạc cụ văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Nhiều câu lạc bộ hát Then – đàn Tính đang được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên ở các địa phương trong tỉnh.
Dược liệu và thổ cẩm là những nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Dao Đỏ ở huyện Bạch Thông. Chị Lý Thị Quyên (xã Vi Hương) đã thành lập HTX Thiên An để phát triển sản phẩm văn hóa vùng miền, từ đó khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế. Nữ Giám đốc người dân tộc Dao này đã đưa những sản phẩm độc đáo, đậm nét văn hóa đặc trưng của người Dao vươn ra thị trường như: Thảo dược tắm người Dao, gối thổ cẩm… Nhờ thương mại hóa các sản phẩm truyền thống, nhiều người cũng hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao, góp phần tích cực duy trì và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc.
Phụ nữ vùng hồ Ba Bể chọn cách phát huy giá trị truyền thống qua hoạt động phát triển du lịch. Các hộ dân xã Nam Mẫu đã mở rộng mô hình du lịch tại gia đình với nhiều loại dịch vụ từ ăn, nghỉ đến dẫn khách đi tham quan các điểm du lịch trên hồ Ba Bể, hay lên rừng thăm bản người Dao để khám phá nét văn hóa đặc sắc của đồng bào.
Điểm đặc biệt trong loại hình du lịch cộng đồng ở Ba Bể đó là hình ảnh những cô gái Tày cầm đàn Tính, hát Then biểu diễn phục vụ du khách. Hiện nay, xã Nam Mẫu có 4 đội văn nghệ thường xuyên phục vụ khách du lịch. Những hoạt động du lịch cộng đồng này đã tạo việc làm cho người dân vùng hồ, nâng cao nhận thức về du lịch đối với cộng đồng dân cư và góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.
Tại huyện Chợ Đồn cũng có nhiều mô hình, cách làm hay để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Chi hội Phụ nữ Bản Cuôn 2 (xã Ngọc Phái) tập hợp, truyền dạy nghề thêu trang phục truyền thống của người Dao Đỏ cho hội viên phụ nữ và học sinh Trường PTDT nội trú huyện. Chi hội Phụ nữ Bản Ca (xã Bình Trung) thành lập CLB hát Páo dung, thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao Tiền, truyền dạy cho chị em phụ nữ. Đầu năm 2023, Hội LHPN huyện đã tổ chức Hội thi “Phụ nữ vùng ATK duyên dáng trong trang phục dân tộc và dân vũ thể thao trong hệ thống Hội” thu hút hơn 300 cán bộ, hội viên tham gia trình diễn trang phục dân tộc và biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc.
Bà Hà Thị Khánh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Đồn cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam giai đoạn mới", trong đó gắn với việc chỉ đạo các cấp hội cơ sở giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc là nòng cốt, đồng thời tiếp tục thực hiện các phong trào phát triển kinh tế gắn với bảo tồn những sản phẩm bản địa như đan lát, thêu thùa trang phục truyền thống trong hội viên phụ nữ.
Bà Phan Thị Na, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn. |
Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được trao truyền qua các thế hệ, thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa. Bằng nhiều cách khác nhau, chị em phụ nữ vùng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang tích cực, chủ động kế thừa, phát triển bền vững các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.