Phụ nữ Đôn Phong làm theo Bác

BBK - Không hô hào "khẩu hiệu", hội viên phụ nữ xã Đôn Phong (Bạch Thông) làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, góp phần cùng nhau chia sẻ khó khăn, xây dựng đời sống mới.

Phụ nữ thôn Nà Pán vệ sinh đường ngõ.

Phụ nữ thôn Nà Pán vệ sinh đường ngõ.

Chuyện từ Chi hội Phụ nữ Nà Pán

Sau bữa cơm trưa, chị Hoàng Thị Thu lại gom rác thải vào thùng để cạnh nhà, khi đầy sẽ mang đi xử lý. Thói quen được gây dựng từ 10 năm nay tưởng chừng đơn giản này lại là cuộc “cách mạng” về nhận thức và hành vi của người dân vùng cao thôn Nà Pán, xã Đôn Phong.

Chị Thu cho biết: “Trước đây, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi quanh nhà hay xuống khe suối rất ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan, nhất là vào ngày hè oi nóng. Được sự vận động của lãnh đạo thôn và Chi hội Phụ nữ thôn, bà con dần hình thành thói quen thu gom và xử lý rác”.

“Lúc đầu vận động bà con, chị em hội viên phụ nữ thực hiện mô hình thu gom rác thải cũng khá vất vả. Lãnh đạo thôn và Chi hội Phụ nữ phải đi từng nhà, kiên trì giải thích, vận động bà con mới thực hiện. Nhưng từ sự thành công mô hình giúp tạo niềm tin cho hội viên, nhiều phong trào, công việc chung sau đó vận động chị em rất đồng thuận. Một số thôn khác cũng đến Nà Pán tham quan và học tập mô hình”, chị Triệu Thị Lai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nà Pán cho hay.

Lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Đôn Phong trò chuyện cùng hội viên phụ nữ thôn Nà Pán về mô hình thu gom rác.

Lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Đôn Phong trò chuyện cùng hội viên phụ nữ thôn Nà Pán về mô hình thu gom rác.

Với 50 hội viên, Chi hội tổ chức thành lập 01 đội văn nghệ, 02 đội bóng chuyền hơi làm “hạt nhân” trong các hoạt động phong trào của thôn, xã. Đặc biệt, Chi hội Phụ nữ thôn Nà Pán còn thành lập được Tổ hợp tác chè bản Dao với hơn 10 thành viên tham gia, mang lại thu nhập khá cho chị em. Các mô hình “tương thân tương ái” như: “Hũ gạo tình thương”, nhóm “Tiết kiệm và tự quản” hay quỹ “Chung sức vì cộng đồng” cũng được Chi hội triển khai hiệu quả.

Với thành tích đạt được, năm 2023, Chi hội Phụ nữ Nà Pán được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 – 2023.

Những mô hình “tương ái”

Chị em phụ nữ thôn Nà Pán đóng tiền theo định kỳ, tham gia nhóm "Tiết kiệm và tự quản".

Chị em phụ nữ thôn Nà Pán đóng tiền theo định kỳ, tham gia nhóm "Tiết kiệm và tự quản".

Cứ mỗi quý một lần chị em phụ nữ thôn Nà Váng lại đem gạo đến Nhà Văn hóa thôn góp vào “Hũ gạo tình thương”. Dựa trên bình xét, hội viên phụ nữ hoặc hộ dân nào trong thôn thực sự khó khăn sẽ được nhận gạo “tình thương”.

Mô hình "Hũ gạo tình thương" được nhiều chi hội phụ nữ trên địa bàn xã Đôn Phong duy trì nhiều năm nay.

Mô hình "Hũ gạo tình thương" được nhiều chi hội phụ nữ trên địa bàn xã Đôn Phong duy trì nhiều năm nay.

Phụ nữ thôn Nà Lồm góp gạo giúp đỡ gia đình khó khăn.

“Thóc gạo nhà làm ra được, mỗi quý góp vài bát gạo không làm mình đói đi, nhưng lại giúp được chị em khác lúc nghèo khó. Tình cảm chị em phụ nữ, thôn xóm vì thế cũng thêm gắn bó”, chị Bàn Thị Thắm, thôn Nà Pán chia sẻ.

“Mô hình “Hũ gạo tình thương” được duy trì từ năm 2013 đến nay tại 6/10 chi hội phụ nữ cơ sở. Trung bình mỗi năm thông qua mô hình này các chị em đóng góp được hơn 400kg gạo giúp đỡ gia cảnh thiếu thốn lúc giáp hạt. Mỗi bát gạo chứa đựng tình yêu thương, san sẻ, đùm bọc của phụ nữ vùng cao, giúp lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng”, bà Tạ Thị Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đôn Phong chia sẻ.

Chỉ trồng ngô nếp và rau bí nhưng mỗi năm gia đình chị Triệu Thị Thịnh, thôn Nà Váng có thu nhập vài chục triệu đồng. Có ý định mở rộng sản xuất nông nghiệp và trồng quế, chị Thịnh đã quyết định vay vốn từ Nhóm “Tiết kiệm và tự quản” của thôn. Không chỉ nhà chị Thịnh, nhiều hộ hội viên phụ nữ ở Nà Váng cũng nhờ nguồn vốn từ quỹ tiết kiệm này có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Theo quy chế hoạt động, mỗi thành viên tham gia Nhóm “Tiết kiệm và tự quản” đóng góp cổ phần định kỳ 50.000 đồng/tháng, tối đa được đóng 5 cổ phẩn và có thể đóng góp tự nguyện vào quỹ. Số tiền quỹ sẽ cho các thành viên có nhu cầu vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2022, Nhóm “Tiết kiệm và tự quản” thôn Nà Váng tiết kiệm được 80 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2023 là 50 triệu đồng cho 8 thành viên vay. Tính chung cả xã, 6 tháng đầu năm, số tiền đóng góp vào Quỹ “Tiết kiệm và tự quản” là hơn 300 triệu đồng, cho 20 chị em vay vốn.

“Cái hay của mô hình này là giúp chị em vùng cao có thể tự quản lý tiền mình dành dụm được, đồng thời cũng giúp tạo vốn làm ăn cho những hội viên có nhu cầu. Học cách tiết kiệm, học cách tương trợ nhau là cách làm theo Bác Hồ thiết thực nhất”, chị Triệu Thị Thịnh cho hay.

Đây chỉ là hai trong nhiều mô hình, cách làm mà phụ nữ xã Đôn Phong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phụ nữ xã Đôn Phong trồng hoa tạo cảnh quan khu vực công cộng.

Phụ nữ xã Đôn Phong trồng hoa tạo cảnh quan khu vực công cộng.

“Chúng ta có thể học Bác rất nhiều điều trân quý nhưng cũng giản dị, dễ làm theo. Vì thế, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ xã Đôn Phong quan niệm rằng, làm được những việc tốt, xây dựng được các mô hình “tương ái” cũng là làm theo lời Bác”, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đôn Phong chia sẻ./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in