Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Không giữ chữ tín không thể liên kết thành công

Theo đồng chí Lê Minh Khái, trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, việc liên kết theo chuỗi giá trị là mô hình kinh tế đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia. Để liên kết theo chuỗi giá trị thành công, "quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, tự nguyện, thống nhất, giữ uy tín giữa các bên. Không giữ được chữ tín thì không thể liên kết thành công!".

Đồng chí Lê Minh Khái: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển kinh tế tập thể, HTX. Ảnh VGP

Đồng chí Lê Minh Khái: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển kinh tế tập thể, HTX. Ảnh VGP

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển kinh tế tập thể, HTX

Ngày 11/4, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đã dự và phát biểu tại Diễn đàn hợp tác xã quốc gia năm 2024 với Chủ đề: "Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm".

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Lê Minh Khái nêu rõ: Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Đến nay, cơ sở chính trị, pháp lý để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã tương đối đầy đủ và đã xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phần kinh tế tập thể, HTX đối với phát triển kinh tế xã hội của quốc gia nói chung và trong cơ cấu nền kinh tế của đất nước.

Khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục có sự tăng trưởng, các HTX đã cơ bản chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Đến cuối năm 2023 cả nước đã có trên 31 nghìn HTX với hơn 5,8 triệu thành viên, 137 liên hiệp HTX; khoảng 63% HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả.

Các sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước có trên 5,3 nghìn chủ thể, trong đó có 38,1% là từ các HTX.

Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, ngày càng thể hiện rõ vai trò trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Đồng chí Lê Minh Khái: Liên kết theo chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể. Ảnh VGP

Đồng chí Lê Minh Khái: Liên kết theo chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể. Ảnh VGP

Liên kết theo chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể

Đồng chí Lê Minh Khái nêu rõ: Trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, việc liên kết theo chuỗi giá trị là mô hình kinh tế đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách và có nhiều chỉ đạo về liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Các nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp cũng đều có quy định các chính sách hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực phối hợp tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Đã xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến

Kết quả đến nay, liên kết giữa các thành viên trong tổ chức kinh tế tập thể, HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu đã có sự phát triển. Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước đã có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX).

Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng và phát triển được 1.449 chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, với sự tham gia của 2.204 HTX, 1.091 doanh nghiệp, 517 tổ hợp tác và hơn 186 nghìn hộ nông dân.

Tổng kinh phí của các dự án, kế hoạch liên kết được duyệt là: 11.440 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là: 2.532 tỷ đồng (chiếm 22,1%).

Các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm và được hình thành trên nhu cầu cụ thể của từng khu vực, từng ngành hàng, từng nhóm chủ thể.

Tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hà Nam, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang… đã xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Việc phát triển các chuỗi liên kết phù hợp đã góp phần hình thành nhiều khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn, là cơ sở quan trọng để ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường, khắc phục được những nhược điểm của mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao cho nhiều đối tác tham gia liên kết.

Diễn đàn Hợp Tác xã quốc gia năm 2024: "Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm". Ảnh VGP

Diễn đàn Hợp Tác xã quốc gia năm 2024: "Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm". Ảnh VGP

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại đã được đề cập nhiều trong thời gian qua như: Năng lực sản xuất kinh doanh của các HTX còn yếu, manh mún (doanh thu bình quân của các HTX năm 2023 chỉ đạt đạt 3,5 tỷ đồng/HTX/năm. Lãi bình quân một HTX năm 2023 đạt 324 triệu đồng).

Trình độ về khoa học công nghệ còn hạn chế, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị cạnh tranh trên thị trường chưa cao.

Bên cạnh đó, tính liên kết trong nội bộ HTX còn yếu, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Chưa có nhiều hợp tác xã có năng lực tổ chức liên kết, phát huy vai trò cầu nối thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo đồng chí Lê Minh Khái, những tồn tại nói trên xuất phát từ một số nguyên nhân, như: Chất lượng nguồn nhân lực quản lý của các hợp tác xã nhìn chung còn nhiều hạn chế (đến năm 2023, số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ sơ, trung cấp mới chiếm gần 36%, trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 23%).

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có, tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực bảo đảm thực hiện.

Các HTX còn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, thiếu tính bền vững, chưa thể hiện đủ minh bạch trong hoạt động tài chính, kế toán để đáp ứng yêu cầu các tổ chức tín dụng.

Trong triển khai thực hiện các chính sách về liên kết chuỗi giá trị, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định phân cấp cho các tỉnh trong việc ban hành cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết trên địa bàn, phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, còn có những địa phương chậm ban hành, trông chờ, kiến nghị ngược trở lại Chính phủ và các Bộ, ngành về cụ thể hóa chính sách.

Điều kiện thụ hưởng chính sách liên kết còn khó khăn, quy trình, thủ tục hướng dẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, phức tạp, nên chưa thu hút được nhiều HTX và doanh nghiệp tham gia.

Công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách về phát triển liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản tới các cơ sở (xã, phường, cộng đồng dân cư) còn hạn chế dẫn đến nhận thức của các bên liên quan không đầy đủ và thiếu sự tin tưởng tham gia vào chuỗi liên kết.

Một số vùng nguyên liệu đã được hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị hiệu quả, bền vững, hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, khó khăn trong thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý chất lượng vùng nguyên liệu gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Các chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị có chủ thể là các tổ chức kinh tế tập thể hiện chủ yếu tập trung đối với lĩnh vực nông nghiệp. Thiếu các nghiên cứu, đánh giá đối với chuỗi liên kết có chủ thể tham gia là các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh VGP

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh VGP

Triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển,nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, HTX

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Lê Minh Khái nêu rõ: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã xác định mục tiêu "đến năm 2030 cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, 45 nghìn HTX, 340 liên hiệp hợp tác xã, ít nhất 50% tổ chức kinh tế tập thể tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài; đến năm 2045 có ít nhất 75% tổ chức kinh tế tập thể tham gia liên kết theo chuỗi giá trị".

Luật Hợp tác xã năm 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị.

Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XIII với 48 đề án, nhiệm vụ chủ yếu đã xác định rõ cơ quan chủ trì, sản phẩm hoàn thành và lộ trình triển khai nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong đó có nhiều nhiệm vụ nhằm phát triển bền vững liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX được tổ chức vào tháng 02/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện trong thời gian tới để phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức kinh tế hợp tác, các đối tác tham gia liên kết cần quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các quy định của Luật HTX năm 2013 và các chính sách, pháp luật liên quan, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Minh Khái: Không giữ được chữ tín thì không thể liên kết thành công! Ảnh VGP

Đồng chí Lê Minh Khái: Không giữ được chữ tín thì không thể liên kết thành công! Ảnh VGP

Không giữ được chữ tín thì không thể liên kết thành công!

Về liên kết phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm.

Các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao "phải làm rõ vướng ở cơ chế nào, quy định nào, trách nhiệm thuộc về ai, để có đề xuất cụ thể", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Ba là, tổ chức củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các đề án xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất; tạo nền tảng, cơ sở thu hút các doanh nghiệp liên kết, đầu tư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, phát triển bền vững vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị sản phẩm.

Bốn là, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách.

Năm là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo yêu cầu tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực hiện từng giai đoạn.

Sáu là, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai các cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tập thể, HTX tại địa phương. Chủ động bố trí, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án liên quan để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị đạt hiệu quả cao.

"Làm tốt việc này không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương và còn góp phần nâng cao đời sống người dân, giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bảy là, các HTX, các doanh nghiệp với vai trò là cầu nối, chủ thể dẫn dắt của chuỗi liên kết phải chủ động tăng cường năng lực quản lý, điều hành, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết theo hướng công khai, minh bạch, nhận thức rõ và thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia chuỗi liên kết; trao đổi, thương lượng và thống nhất giải quyết, chia sẻ những khó khăn và rủi ro bất khả kháng trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết.

"Quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, tự nguyện, thống nhất, giữ uy tín giữa các bên. Không giữ được chữ tín thì không thể liên kết thành công!", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Thứ tám, Phó Thủ tướng đề nghị các tổ chức chính trị xã hội và các hội, hiệp hội ngành hàng tăng cường thông tin, tuyên truyền, tư vấn, vận động và hỗ trợ các thành viên, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia và thực hiện đúng hợp đồng liên kết; phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm; xây dựng, phát triển và bảo vệ uy tín của chuỗi liên kết.

Thứ chín, Hệ thống liên minh hợp tác xã tiếp tục phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể. Bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của hợp tác xã, tổ chức tư vấn, hướng dẫn các HTX nhằm tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tham gia hiệu quả trong chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.

Thứ mười, chủ động tham khảo, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác của các nước tiên tiến áp dụng phù hợp với thực tế đất nước, địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.

Đối với các kiến nghị tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Liên minh HTX tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in