Trên địa bàn huyện Ba Bể xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình hiệu quả, đem lại thu nhập cao. Chính quyền và Nhân dân đã tích cực khai thác thế mạnh của địa phương, từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
Trước đây, kinh tế của gia đình chị Dương Thị Lan, thôn Nà Ma, xã Hà Hiệu phụ thuộc chủ yếu vào việc khai thác rừng trồng. Những cây mỡ phải đạt từ 8 đến 10 năm tuổi mới bắt đầu được khai thác. Hơn 3 năm trước, gia đình chị quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Chị cho biết: "Trồng rừng được ví như có của để dành, tuy nhiên lại không có nguồn thu đều đặn. Sau khi khai thác 2ha mỡ, tôi đầu tư trồng 200 gốc ổi, 50 gốc bưởi da xanh và thử nghiệm trồng vài chục cây mít Thái, đồng thời mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc từng loại cây".
Chỉ sau 1 năm, cây ổi bắt đầu bói quả. Đến năm thứ 2 cho sản lượng đạt gần 3 tấn. Mít Thái đạt trọng lượng từ 7 – 20kg/quả, giá bán trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, tuy nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Thấy cây trồng hợp khí hậu, thổ nhưỡng, năm 2020 chị Lan trồng thêm 100 cây mít, đầu tư phân bón, mua thêm máy phát cỏ, tập trung chăm sóc cây, chú trọng phòng sâu bệnh hại.
Sau khi trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, gia đình anh Lý Văn Dũng ở thôn Khuổi Trả, xã Phúc Lộc mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa. Năm 2014, anh xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn trên diện tích 600m2 với 10 ô chuồng. Anh Dũng chia sẻ: "Ban đầu khi mới bắt tay vào làm, tôi gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm chăn nuôi. Nhưng với lòng quyết tâm, không nản chí, tôi bắt đầu tìm hiểu kiến thức qua sách báo và các buổi tập huấn do thôn, xã tổ chức, rồi dần rút ra kinh nghiệm. Những năm gần đây, nhờ chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật nên việc chăn nuôi đã có hiệu quả. Trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 100 con lợn thịt, có năm lên đến gần 200 con. Ngoài ra, tôi còn đầu tư máy móc sản xuất gạch không nung. Thu nhập sau khi trừ chi phí đạt gần 300 triệu đồng/năm".
Tại xã Khang Ninh, ông Triệu Kim Trìu được mọi người ví như một triệu phú vùng cao. Từ hai bàn tay trắng, ông đào ao thả cá với diện tích hiện nay lên tới 5.000m2. Năm 2017, cùng với chăn nuôi lợn đen bản địa, ông lựa chọn con lợn rừng giống đực khỏe mạnh để lai giống với lợn đen. Kết quả tạo ra đàn lợn lai rừng có chất lượng thịt thương phẩm được thị trường ưa chuộng. Tổng số lợn lai rừng được ông duy trì khoảng 100 con. Ngoài ra, ông còn nuôi trâu sinh sản và ngựa với số lượng từ 4 – 7 con. Mỗi năm thu nhập đạt từ 500 – 700 triệu đồng.
Chị Dương Thị Lan chuyển đổi đất trồng rừng sang trồng cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Ngoài những hộ kể trên, trên địa bàn huyện Ba Bể hiện có rất nhiều mô hình kinh tế hộ cho thu nhập từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Những người nông dân đã bắt tay vào cải tạo đất, chọn những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất. Ông Lý Văn Thục- Chủ tịch UBND xã Hà Hiệu cho biết: Địa phương xác định việc phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại là tiền đề để phát triển kinh tế tập thể. Hằng năm, các mô hình đều tăng về chất lượng cây trồng, vật nuôi, xuất hiện nhiều mô hình mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính quyền xã luôn quan tâm, hỗ trợ người dân trong việc triển khai kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, vật tư để người dân sản xuất hiệu quả.
Để nhân rộng các mô hình, các cấp Hội, đoàn thể tích cực phát động các phong trào thi đua tới toàn thể hội viên như: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Hội Nông dân; phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” của các cấp Hội Phụ nữ; phong trào “Tuổi trẻ lập thân lập nghiệp, giúp nhau làm kinh tế giỏi” của Đoàn Thanh niên... Qua đó tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm.
Ông Dương Xuân Trường- Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết: Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã xuất hiện những tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn... để phát triển sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất giỏi. Điển hình như: Hộ ông Hoàng Văn Tâm, xã Đồng Phúc khai phá đất ruộng để nuôi cá ao với tổng diện tích mặt nước hơn 1ha kết hợp chăn nuôi, thu nhập trên 350 triệu đồng/năm; hộ ông Ngôn Văn Sơn, xã Nam Mẫu với mô hình dịch vụ Homestay và xuồng chở khách du lịch, thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm; hộ bà Triệu Thị Tá, xã Yến Dương sản xuất miến dong, thu nhập trên 400 triệu đồng/năm...
Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự cần cù chịu khó của người dân, những mô hình kinh tế hộ trên địa bàn huyện Ba Bể đã và đang mang lại hiệu quả, giúp nông dân có thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Thu Hường