Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Pác Nặm

Hiện nay du lịch của huyện Pác Nặm chỉ mới bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, với tiềm năng sẵn có, những điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa bản địa, tham gia trải nghiệm lễ hội và du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu tập quán canh tác nông nghiệp ở vùng cao, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho du khách.

Hiện nay du lịch của huyện Pác Nặm chỉ mới bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, với tiềm năng sẵn có, những điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa bản địa, tham gia trải nghiệm lễ hội và du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu tập quán canh tác nông nghiệp ở vùng cao, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho du khách.

Cùng với xu hướng phát triển chung đến nay hạ tầng giao thông, hệ thống dịch vụ, vui chơi giải trí, lễ hội tại Pác Nặm đang được quan tâm đầu tư với hệ thống tuyến, điểm tham quan trải nghiệm. Có thể khái quát các điểm du lịch chính hiện nay như: Khu vực xã Bộc Bố, hiện là trung tâm huyện lỵ do đó Bộc Bố có vai trò là điểm dừng chân cũng như là điểm xuất phát trên các tuyến du lịch theo đường tỉnh 258B và các tuyến đường huyện hoặc giao thông nông thôn.

Bản Khâu Đấng xã Bộc Bố điểm du lịch trải nghiệm văn hóa cho du khách
Bản Khâu Đấng xã Bộc Bố - Điểm đến du lịch trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Pác Nặm.

Điểm du lịch Lễ hội Mù Là tại đèo Ngảm Váng thuộc thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh. Đây là điểm du lịch lễ hội có quy mô cấp huyện do UBND huyện Pác Nặm chủ trì phối hợp với UBND xã Hồng Thái và UBND huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang (đơn vị giáp ranh) cùng thực hiện, đây được đánh giá là điểm du lịch văn hóa, lễ hội mang ý nghĩa khu vực.

Điểm tham quan, vọng cảnh đèo Yêu, thác Yêu, vườn mận thuộc địa phận hai xã Nghiên Loan và xã Xuân La trên đường tỉnh 258B. Tại đây du khách có thể ngắm cảnh, cắm trại trong rừng mận du khách có thể tham quan, tìm hiểu bản người Tày tại thôn Thôm Mèo, xã Xuân La.

Một số điểm tham quan, trải nghiệm khác như chụp ảnh, cắm trại, câu cá dọc sông Năng và các suối Nà Lẩy, xã Bộc Bố; thôn Nà Mỵ, xã Giáo Hiệu; suối Tả Sai, xã Công Bằng… Ngoài ra, khi đến với Pác Nặm du khách có thể tham quan, tìm hiểu và khám phá nhiều các nét tập quán, phong tục đặc sắc như chợ trâu, bò Nghiên Loan lớn nhất trong khu vực; chợ Bộc Bố với những sản phẩm từ nông nghiệp đặc trưng và các món ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc; các chợ nông thôn họp theo phiên đa dạng hàng hóa vùng cao.

Đèo Yêu hay còn gọi là đèo Kéo Điếp theo tiếng Tày là điểm check in
Đèo Yêu gắn liền với giai thoại về  "Chuyện tình Kéo Điếp" là điểm check in lý tưởng cho du khách khi đến với Pác Nặm.

Tài nguyên thiên nhiên đa dạng và nguyên sơ, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, đến với huyện Pác Nặm du khách có thể tham gia các hình thức du lịch hấp dẫn như du lịch sinh thái, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, du lịch thể thao mạo hiểm như đi bộ trekking, leo núi, đạp xe kết hợp du lịch trải nghiệm tới các bản làng, sử dụng các phương tiện của người dân trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp…

Nhờ vị trí nằm trên giao điểm của đường tỉnh 258 gần với QL279, vì vậy huyện Pác Nặm hình các tuyến du lịch chính đi qua trung tâm huyện đó là: Thành phố Bắc Kạn - huyện Ba Bể - trung tâm xã Bộc Bố theo QL3 và đường tỉnh 258; trung tâm xã Bộc Bố - xã Cổ Linh; Ba Bể - Cao Tân - Cổ Linh Bộc Bố. Đến nay, hệ thống giao thông của huyện đang được đầu tư một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch để dần đưa Pác Nặm vào bản đồ du lịch của tỉnh và vùng Đông Bắc. Cụ thể như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường kết nối từ trung tâm huyện Pác Nặm với xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) đã hoàn thành; tuyến QL279B xuất phát từ huyện Ba Bể - xã Cao Tân - Cổ Linh (Pác Nặm) - huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, sẽ đầu tư nâng cấp tạo điều kiện cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa, đặc biệt là phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến với các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang.

Xu hướng phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển thị trường mới, sản phẩm du lịch mới và đa dạng. Với lợi thế đó, huyện Pác Nặm đang tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư du lịch từ bên ngoài và người dân trên địa bàn cùng tham gia thực hiện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin Pác Nặm cho biết: “Huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch của huyện Pác Nặm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng tới năm 2030, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Kế hoạch phát triển du lịch của huyện trong giai đoạn mới góp phần tái cơ cấu kinh tế. Đây còn là cơ sở cho việc quản lý và khai thác hiệu quả và bền vững các tiềm năng du lịch cộng đồng tại địa phương”./.

          Nguyễn Nghĩa

Xem thêm

Video

Đọc báo in