Phát huy thế mạnh mạng xã hội trong định hướng dư luận xã hội

BBK - Mối quan hệ xã hội qua Internet và mạng xã hội hiện nay đang hình thành các hiện tượng tâm lý, tư tưởng và dư luận xã hội chung. Do đó, để công tác định hướng dư luận xã hội cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiệu quả, các cấp ủy đảng cần phát huy vai trò và thế mạnh của Internet, mạng xã hội.

Hiện nay, việc tham gia mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân, và là một tiến trình tất yếu, không thể đảo ngược. Theo thống kê, Việt Nam thuộc một trong hơn 10 nước trên thế giới có số lượng người sử dụng Internet, mạng xã hội cao nhất.

z5959787489068-43296fefd9aca6cd25b758cd8f9e5190-852-9079.jpg
Hội nghị Báo cáo viên tháng 10 cấp tỉnh tại điểm cầu Đảng ủy các cơ quan tỉnh.

Tỉnh Bắc Kạn có dân số trên 325 nghìn người, trong đó số thuê bao di động có đăng ký kết nối Internet khoảng 351.421 thuê bao, chiếm 108% dân số, số thuê bao cố định kết nối Internet là 57.164 hộ. Các tác động, ảnh hưởng của con người trong mối quan hệ xã hội với nhau thông qua các hoạt động Internet, mạng xã hội tạo nên các hiện tượng tâm lý chung của xã hội, tư tưởng xã hội và dư luận xã hội. Bởi vậy, công tác định hướng dư luận xã hội cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân chỉ thật sự hiệu quả khi các cấp ủy đảng phát huy được vai trò của Internet, mạng xã hội.

Thực tiễn cho thấy, ngoài những lợi ích thiết thực và tốt đẹp đã được cộng đồng người dùng mạng xã hội xây dựng, hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam, những đối tượng núp bóng dưới các chiêu bài đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự, hoặc núp bóng tôn giáo, dân tộc thiểu số... bằng nhiều thủ đoạn, biện pháp, lợi dụng mạng xã hội để nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ. Chúng đưa những thông tin sai sự thật, những hình ảnh bị cắt ghép nhằm làm sai lệch nhận thức của công chúng về tình hình an ninh, chính trị, xã hội, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân hiện nay, gây hoang mang dư luận. Tình trạng tin rác, tin giả, thông tin lấp lửng nước đôi vẫn hằng ngày, hằng giờ được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội với những diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Để điều chỉnh hành vi tham gia mạng xã hội của cán bộ, đảng viên, tại Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nêu một số điều đảng viên không được làm liên quan đến mạng internet và mạng xã hội: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng” (Điều 3); “Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (Điều 4); “Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác viết, nói, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, bài nói, phỏng vấn, hồi ký, phim, ảnh không đúng quy định” (Điều 5).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của mạng xã hội đối với công tác dư luận xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Kạn đã thành lập mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ nắm bắt, định hướng dư luận xã hội và tuyên truyền, lan toả thông tin tích cực, đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 cấp mình trong thực hiện nhiệm vụ công tác này.

Trong những năm qua, các đơn vị trực thuộc đã tích cực phát huy vai trò Internet, mạng xã hội trong thực hiện công tác tuyên truyền tại địa phương, đơn vị (có 13/13 đơn vị trực thuộc có trang fanpage của Ban Chỉ đạo 35). Theo đó, các đơn vị tích cực đăng tải, chia sẻ lan tỏa các thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch, góp phần tích cực công tác định hướng dư luận xã hội cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao nhận thức, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Qua theo dõi cho thấy, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thường xuyên quan tâm theo dõi các thông tin trên mạng xã hội; thậm chí còn hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng tranh thủ theo dõi mạng xã hội cả trong lớp bồi dưỡng, các cuộc họp, hội nghị. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ, đảng viên quan tâm tới thông tin được đăng tải, chia sẻ trên các trang fanpage do các cơ quan, đơn vị thành lập hoặc các trang thông tin điện tử chính thống của Đảng lại không nhiều; những thông tin thật sự thu hút được số đông cán bộ, đảng viên, quần chúng theo dõi, chia sẻ vẫn là những thông tin về các sự kiện nóng, những hiện tượng văn hóa độc lạ và thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật (trong đó có không ít thông tin chưa được kiểm chứng)… nhằm lôi kéo tâm lý đám đông.

Điều này dẫn tới hiện tượng có lượng thông tin xấu độc, thông tin “rác” thâm nhập vào đời sống tinh thần của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng, gây độc hại cho đời sống tâm hồn của họ, để lại những hệ lụy khôn lường. Hơn nữa, các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng tâm lý đám đông để đưa những thông tin sai sự thật, những hình ảnh bị cắt ghép nhằm nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ, làm sai lệch nhận thức của công chúng về tình hình an ninh, chính trị, xã hội, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân hiện nay, gây hoang mang dư luận.

Để phát huy tốt hơn vai trò của mạng xã hội trong công tác dư luận xã hội, đồng thời giúp mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân xác định nhu cầu sử dụng mạng xã hội của mình theo hướng tích cực hơn, thời gian tới, cấp ủy các cấp quan tâm:

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên; giúp cán bộ, đảng viên thấm nhuần những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới theo tinh thần Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Bộ Chính trị khóa XIII; tuyên truyền rõ vai trò, mục đích, ý nghĩa của các trang fanpage, giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi của mỗi cá nhân khi theo dõi, tham gia trang fanpage do cấp ủy địa phương, đơn vị giới thiệu.

Chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trang fanpage. Bên cạnh tăng cường kỹ năng, phương pháp tổ chức tin, bài đấu tranh, cần đặc biệt lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu, lan tỏa năng lượng tích cực từ hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành ở địa phương, đơn vị.

Phát động cán bộ, đảng viên lan tỏa, chia sẻ thông tin tích cực trên trang cá nhân và các trang cộng đồng, làm cho mạng xã hội mang đậm màu sắc, âm hưởng tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in