Phấn đấu tăng trưởng công nghiệp và thị trường hàng hóa

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp và thị trường hàng hóa, ngành Công thương Bắc Kạn đã đề ra một số giải pháp cụ thể.

Năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp – thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn như: Thiếu nguyên liệu cho sản xuất, thiếu chuyên gia nước ngoài và công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp; hàng tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn... Một số chương trình, hoạt động của ngành Công thương không được triển khai theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là các đề án, chương trình xúc tiến thương mại, như: Tổ chức Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm hàng hóa Bắc Kạn năm 2021 ngoài tỉnh; các chương trình hội chợ, triển lãm; các chương trình kết nối cung cầu. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh công nghiệp - thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh chịu nhiều tác động, khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, tuyển dụng lao động; giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng nên chi phí sản xuất và chi phí nguyên liệu tăng cao; thiếu nguyên liệu, cũng như chưa chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Đồng chí Hoàng Hà Bắc- Giám đốc Sở Công thương cho biết: Năm 2022, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản gắn với tiềm năng, lợi thế địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện tốt mục tiêu phát triển thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá; phát triển sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung, gắn với nhu cầu của thị trường; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và địa phương trong việc phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ; xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh.

Tập trung phát triển các ngành chế biến gỗ, chế biến dược liệu, chế biến nông sản, thực phẩm. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả dự án, tối ưu hóa sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các giải pháp về sản xuất, chế biến nông, lâm sản và dược liệu trên địa bàn tỉnh theo các kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành. Đồng thời tiếp tục phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng gắn với công tác bảo vệ môi trường; phát huy hiệu quả các dự án khai khoáng, sản xuất kim loại đã đầu tư trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) phấn đấu đạt 1.620,143 tỷ đồng, tăng 12,4% so với ước thực hiện năm 2021; tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 97,8%; hoàn thành 100% các nhiệm vụ, đề án khuyến công. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu sự nghiệp dịch vụ tư vấn đạt 240 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá; phát triển sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và địa phương trong việc phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ; xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 5,66% so với ước thực hiện năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 ước đạt 25 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 17,5 triệu USD, nhập khẩu 7,5 triệu USD. Hoàn thành 100% các nhiệm vụ, đề án xúc tiến thương mại năm 2022.

Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ xây dựng một số sản phẩm nông sản chủ yếu của tỉnh làm sản phẩm chủ lực, đảm bảo đạt yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác để tham gia vào mạng lưới bán lẻ hiện đại và phục vụ xuất khẩu. Đổi mới và tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông - lâm sản. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng công nghệ số và trên môi trường mạng; từng bước số hóa và cập nhật thường xuyên dữ liệu cung - cầu hàng hóa; tiếp tục quản lý, vận hành có hiệu quả Website giao dịch điện tử ngành Công thương./.

Bích Ngọc

Xem thêm

Video

Đọc báo in