Pác Nặm phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế

BBK - Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Pác Nặm đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp góp phần tăng thu nhập cho người dân. 
Huyện Pác Nặm quy hoạch vùng trồng cây có thế mạnh để từng bước phát triển theo hướng hàng hóa.

Huyện Pác Nặm quy hoạch vùng trồng cây có thế mạnh để từng bước phát triển theo hướng hàng hóa.

Thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 2732 của UBND tỉnh ban hành ngày 31/12/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Pác Nặm đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 24/3/2021 với mục tiêu phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên địa bàn để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp gắn với vùng du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân. Huyện đề ra một số mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trên các lĩnh vực phát triển kinh tế…

Tiềm năng lợi thế nông, lâm nghiệp của huyện Pác Nặm đang được triển khai có hiệu quả tại nhiều xã, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo.

Tiềm năng lợi thế nông, lâm nghiệp của huyện Pác Nặm đang được triển khai có hiệu quả tại nhiều xã, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo.

Huyện Pác Nặm đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai đồng bộ các bước, các giải pháp đã đề ra. Sử dụng lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất với số vốn hơn 56 tỷ đồng, chủ yếu là hệ thống đường giao thông, thủy lợi. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua các mô hình, dự án, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã…

Kết quả thực hiện các mục tiêu nghị quyết đã đề ra nhìn chung đảm bảo theo kế hoạch. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm đều tăng, năm 2022 đạt trên 468 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 70% giá trị sản xuất nền kinh tế. Từ đầu năm 2023 đến nay giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp ước đạt 236 tỷ đồng. Huyện đã hình thành và phát triển diện tích cây ăn quả đào, mận sớm, lê ta...đạt gần 400ha. Đối với cây dược liệu như: Gừng, nghệ, quế, hồi, mướp đắng rừng, thảo quả… với diện tích đạt gần 300ha. Tổng đàn đại gia súc hiện có hơn 19 nghìn con, đạt trên 76% mục tiêu nghị quyết đề ra.

Đồng chí Đào Duy Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm đánh giá: Trong hơn hai năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của huyện và thực tế đang được nhiều xã triển khai chuyển đổi như: Nghiên Loan, Xuân La, Bộc Bố, Giáo Hiệu…Phần lớn người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm làm ra. Điều đó cho thấy nông, lâm nghiệp trên địa bàn đang có bước phát triển tích cực.

Mặc dù vậy, huyện Pác Nặm cũng chỉ rõ những hạn chế trong thời gian qua như: Quá trình triển khai thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở một số xã còn chậm; diện tích trồng cây ăn quả phát triển ở một số địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để trở thành hàng hóa; giá cả một số loại vật tư nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất của người dân…

Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương nhân rộng các mô hình dự án đã triển khai có hiệu quả; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm cho người dân./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in