Pv: Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về việc tái xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm ở nhiều nơi trong nước. Vậy xin ông cho biết về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm ở Bắc Kạn hiện nay?
Ông Nguyễn Đình Trọng: Theo nhận định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm Trung ương thì Bắc Kạn là tỉnh không có nguy cơ cao xảy ra loại dịch bệnh này. Tháng 12/2005, tại thôn Đon Bây xã Vi Hương- Bạch Thông phát hiện 3 con gia cầm nhiễm virus H5N1. Từ đó đến nay trên địa bàn toàn tỉnh không phát hiện thêm ổ dịch nào nữa.
Pv: Như vậy không có nghĩa là công tác phòng chống dịch bệnh này được phép lơ là ở tỉnh ta?
Ông Nguyễn Đình Trọng: Tất nhiên, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lúc nào cũng được chúng tôi đặt lên hàng đầu. UBND tỉnh đã có chỉ thị riêng về vấn đề này. Cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm trên toàn tỉnh cũng đã diễn ra. Theo đó, các cấp, các ngành liên quan đã nhận được đầy đủ văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Chi cục Thú y, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng xong kế hoạch phòng chống cúm gia cầm trên phạm vi toàn tỉnh và đã trình lên UBND tỉnh. Chi cục cũng đã được Trung ương cấp cho 240 ngàn liều vắc xin cúm gia cầm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi bây giờ là kinh phí. Chưa có kinh phí thì chưa thể triển khai tiêm phòng được. UBND tỉnh đã có công văn số 439/UBND-KTN về việc thẩm định dự toán tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm năm 2007, yêu cầu Sở Tài chính triển khai thực hiện ngay để đảm bảo việc tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm diễn ra đúng tiến độ. Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì không tỉnh nào được chậm trễ về kinh phí vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm phòng của tỉnh và tiến độ tiêm phòng chung của toàn quốc. Nhưng đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được kinh phí để triển khai công tác này.
Pv: Vậy nếu dịch bệnh xảy ra, Chi cục Thú y sẽ làm thế nào?
Ông Nguyễn Đình Trọng: Đây cũng là tình huống mà chúng tôi đã dự tính trước và sẵn sàng trực chiến 24/24 giờ. Chỉ cần một cú điện thoại thông báo có dịch bệnh, đội phản ứng nhanh của chúng tôi sẽ lên đường ngay tức khắc. Trong khi lấy mẫu đi xét nghiệm thì chúng tôi đã tiến hành nhanh công tác khoanh vùng để tiêu độc khử trùng, đồng thời tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm có nguy cơ lây nhiễm cao. Chúng tôi có đầy đủ thiết bị cho công tác này như máy bơm, máy phun thuốc, thuốc sát trùng, quần áo, kính, mũ, khẩu trang bảo hộ, dụng cụ phòng chống dịch. Đặc biệt đội phản ứng nhanh còn có thiết bị có tên téc chẩn đoán nhanh bệnh cúm gia cầm cho kết quả âm hay dương tính chỉ sau 10-15 phút. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi làm công tác này nên sẽ không khó khăn nếu dịch bệnh xảy ra.
Pv: Ở Bắc Kạn có hiện tượng giấu dịch không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Trọng: Thực tế chưa có hiện tượng nào giấu dịch vì bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người. Nhưng để phát hiện và thông báo nhanh đến chúng tôi thì vẫn là vấn đề nan giải. Mạng lưới thú y cơ sở chưa có, gia đình thấy hiện tượng gà vịt chết mới báo lên thôn, thôn báo lên xã, xã báo lên huyện, đến khi chúng tôi nhận được tin thì có thể đã muộn. Chính vì vậy công tác tuyên truyền đến người dân là rất quan trọng. Chúng tôi đã hợp đồng với đài PT-TH tỉnh tuyên truyền định kỳ về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Kênh truyền thông thứ hai là phát tờ rơi. Mỗi năm có 50 ngàn tờ rơi được phát đến từng hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền này được thực hiện tương đối thoả đáng.
PV: Ông có lời khuyên nào đối với các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh không?
Ông Nguyễn Đình Trọng: Đối với các hộ chăn nuôi phải tuyệt đối thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại. Không nên chủ quan nghĩ rằng vùng sâu vùng xa là không có dịch cúm gia cầm. Không chỉ lây nhiễm theo đường vận chuyển hàng hoá thông thường, bệnh cúm gia cầm còn có thể lây theo đường chim di cư. Khi thấy hiện tượng gà ốm chết hàng loạt cần cách ly ngay đàn còn khoẻ, tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm đã chết. Cần báo ngay cho đội phản ứng nhanh của chúng tôi theo số điện thoại 800115 để chúng tôi xử lý kịp thời. Để việc phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả thì ngoài sự thông tin nhanh của người dân còn cần đến sự hợp tác của tất cả các cấp, các ngành liên quan.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!