Nông dân sử dụng mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

BBK -Những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ số, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã nhạy bén, nắm bắt cơ hội quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên các trang mạng xã hội. Qua đó, đã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng khắp trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập.

Chỉ cần 1 chiếc điện thoại di động thông minh kết nối mạng, dù ở bất cứ đâu cũng có thể giao dịch trực tuyến để mua và bán các sản phẩm. Đây đang là xu thế mang lại hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được nông dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng hiệu quả. Ưu điểm của bán nông sản online là không bị giới hạn diện tích hay thời gian, người bán có thể đăng bán hàng 24/7 mà không tốn tiền thuê cửa hàng. Qua đó, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Để tìm kiếm thị trường Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiến Sáu, ở xã Đồng Thắng (Chợ Đồn) đã chủ động tìm hiểu các nền tảng số. HTX đã xây dựng các video quảng bá, bán hàng online thông qua các trang thương mại điện tử; các hội, nhóm trên mạng xã hội như: Facebook, zalo; xây dựng website… Cùng với đó, các sản phẩm được chế biến từ ốc nhồi của HTX như chả ốc, ốc nhồi ống tre được HTX tập trung hoàn thiện tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, giúp thuận tiện cho việc tra cứu, theo dõi nguồn gốc, quy trình chế biến sản phẩm.

Anh Nguyễn Tiến Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Sáu quay, chụp các công đoạn chế biến sản phẩm để giới thiệu qua mạng xã hội.

Anh Nguyễn Tiến Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Sáu quay, chụp các công đoạn chế biến sản phẩm để giới thiệu qua mạng xã hội.

Anh Nguyễn Tiến Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Sáu chia sẻ: Bản thân tôi cũng luôn tìm hiểu về các chương trình kết nối giao thương đặc biệt qua các nền tảng xã hội và hoàn thiện sản phẩm để đưa sản phẩm đến với khách hàng… bán hàng thủ công tiếp cận tệp khách hàng rất ít so với sử dụng công nghệ 4.0.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu về chè khô của khách hàng tăng nhanh. Vì vậy, HTX nông nghiệp Bản Mộc, xã Yên Hân (Chợ Mới) tích cực quảng bá sản phẩm từ các khâu hái chè, sao chè, đóng gói… để tăng uy tín với các khách hàng ở xa. Hiện, HTX có 02 sản phẩm chè xanh Shan tuyết và hồng trà Shan tuyết được đóng hộp làm quà 100g và 200g, phụ thuộc vào nhu cầu đặt hàng của khách trọng lượng sẽ thay đổi.

Việc chụp hình ảnh sản phẩm được anh Ma Văn Thống, Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Mộc sắp xếp chỉn chu

Việc chụp hình ảnh sản phẩm được anh Ma Văn Thống, Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Mộc sắp xếp chỉn chu

Anh Ma Văn Thống, Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Mộc chia sẻ: Là địa phương ở xa trung tâm huyện, thành phố, nên việc tiếp thị theo cách truyền thống khá khó khăn. Khi công nghệ số, đặc biệt là mạng xã hội phát triển HTX cũng tích cực tham gia tập huấn, ứng dụng vào quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của HTX sản xuất. Phải hơn 70% khách hàng tiếp cận qua kênh thông tin này, có những đơn hàng ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… HTX đăng bài bằng hình ảnh hoặc livestream khi chăm sóc đồi chè, chế biến và đóng gói. Nhờ facebook, zalo mà sản phẩm HTX sản xuất được quảng bá rộng rãi, không mất chi phí và nhân công.

Khách hàng mua miến tráng thủ công của chị Lộc Thị Quế chủ yếu qua facebook, zalo.

Khách hàng mua miến tráng thủ công của chị Lộc Thị Quế chủ yếu qua facebook, zalo.

Mỗi năm tiêu thụ hơn 2 tấn miến khô tráng tay nhưng chị Lộc Thị Quế, thôn Bản Cào, xã Côn Minh (Na Rì) có lượng khách chủ yếu giới thiệu, biết đến qua kênh mạng xã hội. Chị Quế cho biết: Hằng ngày, lúc nào rảnh tay thì sẽ đăng hình ảnh quá trình sản xuất miến tráng tay lên mạng xã hội như facebook, zalo để khách hàng biết, qua đó tin tưởng sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ mạng xã hội mà có khách hàng đặt miến thường xuyên, ban đầu ít rồi tăng số lượng. Bán hàng qua kênh này, không mất chi phí mà lại quảng cáo được tới khách hàng trên mọi miền Tổ quốc.

Sản phẩm của nông dân Bắc Kạn trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn

Sản phẩm của nông dân Bắc Kạn trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn

Những năm qua, để hội viên nông dân bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các ngành chuyên môn, lồng ghép truyền thông về chuyển đổi số; hướng dẫn cán bộ, hội viên nông dân về tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, Hội đã lựa chọn được 314 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Ông Nguyễn Công Lệnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Thời gian tới, Hội tiếp tục tăng cường hỗ trợ hội viên nông dân ứng dụng và khai thác tốt các kênh thông tin từ mạng xã hội, tận dụng nền tảng trực tuyến quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hiện đại; hỗ trợ về khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, tem nhãn, mã vạch về truy xuất nguồn gốc các sản phẩm để tạo điều kiện cho việc giữ vững uy tín khi bán hàng qua mạng… Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đặt ra mục tiêu “Duy trì ít nhất 50.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử”./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in