Trước yêu cầu ngày càng thay đổi của thị trường lao động, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã thực hiện việc điều chỉnh, cập nhật chương trình và giáo trình đào tạo định kỳ. Việc này nhằm đảm bảo rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay được các tiêu chí của doanh nghiệp.
Nội dung đào tạo không chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn mà còn cập nhật các kỹ năng mềm, kỹ năng số và kiến thức về công nghệ 4.0 để sinh viên có thể dễ dàng thích nghi với yêu cầu của thị trường lao động hiện đại. Song song với việc cập nhật chương trình đào tạo, nhà trường cũng chú trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo; cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại, sử dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp tiếp cận để sinh viên có thể tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn.
Một điểm mới quan trọng trong chương trình đào tạo nghề tại trường là việc chú trọng vào thực hành. Trong chương trình giảng dạy, từ 25-35% thời gian giảng dạy là lý thuyết, còn lại 65-75% là thực hành. Điều này đảm bảo sinh viên có đủ thời gian để thực hành các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.
Đặc biệt, trường đã kết hợp với các doanh nghiệp để thực hiện đào tạo mô-đun chuyên môn nghề gắn với sản xuất tại doanh nghiệp. Số giờ thực hành tại doanh nghiệp chiếm từ 20-35% tổng thời gian đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận được với môi trường làm việc thực tế ngay khi còn đang học tập.
Trước xu thế xuất khẩu lao động ngày càng được người dân quan tâm, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã thiết kế các chương trình đào tạo trung cấp và cao đẳng có các môn học ngôn ngữ như tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Trung. Đây là bước đi chiến lược giúp sinh viên có cơ hội làm việc ở nước ngoài ngay sau khi tốt nghiệp. Việc học ngoại ngữ giúp sinh viên không chỉ dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc ở nước ngoài mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó sự kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ sinh viên thực tập mà còn ở việc đào tạo theo địa chỉ, tức là đào tạo dựa trên nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp.
Trường đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đảm bảo rằng sinh viên không chỉ được học lý thuyết và thực hành, mà còn được tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi ra trường. Điều này không chỉ giúp sinh viên có cơ hội việc làm cao hơn mà còn giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng ngay lập tức các yêu cầu công việc.
Ngay khi vào học tại trường, trong quá trình đào tạo, nhà trường đã triển khai mô hình ký kết cam kết giữa học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp và nhà trường. Mục tiêu của mô hình này đảm bảo rằng sinh viên sẽ được học tập và thực hành trong môi trường an toàn và chuyên nghiệp. Cam kết này tạo ra niềm tin giữa phụ huynh và nhà trường và là động lực để sinh viên nỗ lực trong quá trình học tập.
Một bước đi khác của Trường Cao đẳng Bắc Kạn là việc liên kết đào tạo trình độ đại học với các trường đại học ngoại tỉnh. Sinh viên sau khi tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng có thể tiếp tục học liên thông lên đại học thông qua các chương trình liên kết này. Đây là cơ hội để sinh viên nâng cao trình độ, mở rộng kiến thức và kỹ năng, đồng thời tăng cường cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Gần đây nhà trường còn chú trọng vào việc mở các mã ngành, nghề mới phù hợp với nhu cầu của xã hội. Các ngành nghề mới như nông nghiệp công nghệ cao, cơ điện tử, quản trị nhà hàng - khách sạn là những lĩnh vực đang có nhu cầu nhân lực cao trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Việc mở rộng các ngành nghề này không chỉ giúp nhà trường đáp ứng nhu cầu của xã hội mà còn giúp sinh viên có nhiều lựa chọn hơn trong con đường nghề nghiệp của mình.
Hiện nay Trường Cao đẳng Bắc Kạn đang đào tạo hơn 560 sinh viên, trong đó năm học mới tuyển sinh được hơn 280 sinh viên; mỗi năm đào tạo về lái xe cho hơn 650 học viên.
Ngoài đầu tư về đào tạo, trường luôn tích cực huy động các nguồn lực hợp pháp từ xã hội và nguồn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia hoặc dự án đầu tư nước ngoài… để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, hạ tầng số, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở vật chất như: Phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, phòng học tích hợp và nhà đa năng, khu tập thể dục thể thao… đạt chuẩn đáp ứng cho công tác đào tạo.
Định kỳ nhà trường rà soát, đề xuất nhu cầu đầu tư thiết bị đào tạo cho các ngành nghề trọng điểm hoặc mở mã ngành, nghề mới. Tăng cường mua sắm thiết bị đào tạo đối với các khối ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí, khách sạn nhà hàng, chế biến món ăn, chăn nuôi thú y…
Những nét mới trong đào tạo nghề cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Trường Cao đẳng Bắc Kạn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Với những đổi mới này, trường không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong việc phát triển sự nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước./.