Hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên (22/9/1943 - 22/9/2023)

Những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Chí Kiên

BBK -  Sự kiện thành lập Chi bộ Chí Kiên - chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kạn đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng tại tỉnh Bắc Kạn và trong cả nước trong công cuộc giải phóng dân tộc. Nhân dịp này, chúng ta cùng tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của 03 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Chí Kiên.
Đồng chí Doanh Hằng (bên phải) cùng đồng chí Đồng Văn Chè, nguyên Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn; nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn chụp ảnh tại thác Coỏng Tát vào năm 1995

Đồng chí Doanh Hằng (bên phải) cùng đồng chí Đồng Văn Chè, nguyên Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn; nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn chụp ảnh tại thác Coỏng Tát vào năm 1995

Đêm 22/9/1943, tại một đám ruộng gần thác Coỏng Tát ở Bản Duồm, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn; dưới sự chủ trì của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp); đồng chí Dương Mạc Hiếu (đồng chí Nghĩa) là đảng viên, cán bộ Nam tiến phụ trách tổng Bằng Đức đã tổ chức kết nạp hai đồng chí là Đồng Văn Bằng và Doanh Hằng vào Đảng. Sau khi làm thủ tục kết nạp, cả bốn đồng chí châm mỗi người một điếu thuốc lá thay nén hương và cùng đưa nắm tay phải giơ lên ngang đầu xin thề: “Tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản/Sẵn sàng làm mọi nhiệm vụ do Đảng phân công/Toàn dân đoàn kết đánh Tây đuổi Nhật/Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm/Việt Nam độc lập muôn năm”! Tuyên thệ xong, đồng chí Văn đã tuyên bố thành lập Chi bộ tổng Bằng Đức và đặt tên là Chi bộ Chí Kiên.

Đồng chí Dương Mạc Hiếu (1919-1976)

Đồng chí Dương Mạc Hiếu.

Đồng chí Dương Mạc Hiếu.

Theo các tài liệu và lời kể của ông Dương Mạc Bằng, 71 tuổi trú tại xóm Long Hoa, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (ông là con trai đồng chí Dương Mạc Thạch, cháu ruột của đồng chí Dương Mạc Hiếu) cung cấp như sau: Đồng chí tên thật là Dương Mạc Lý (có các bí danh như Quang Hưng, Nghĩa). Đồng chí Dương Mạc Hiếu sinh năm 1919, trong một gia đình trung nông tại xóm Thôm Phát, xã Gia Bằng (nay là xóm Long Hoa, xã Minh Tâm), là em ruột của đồng chí Dương Mạc Thạch (Xích Thắng), Chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, được kết nạp Đảng vào năm 1938. Từ năm 1942, là Bí thư Chi bộ xã Tam Kim, năm 1943 được cấp trên phân công làm cán bộ Nam tiến phụ trách tổng Bằng Đức, châu Ngân Sơn và tham gia thành lập, làm Bí thư Chi bộ Chí Kiên.

Ngày 23/01/1944, tại Hội nghị tổng kết công tác Nam tiến họp ở xã Hoa Thám (Nguyên Bình, Cao Bằng), Ban Chỉ đạo “Nam tiến” thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Kạn gồm ba đồng chí: Nông Văn Lạc, Dương Mạc Hiếu và Tùng Vân. Đầu năm 1944, đồng chí tham gia Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Kạn mới được thành lập. Tháng 4/1944 đồng chí trở về Nguyên Bình để trị bệnh. Tại quê nhà, đồng chí tham gia lãnh đạo cướp chính quyền tại châu Nguyên Bình, có thời gian từng làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến châu, sau này đồng chí công tác ở Ban Công tác Nông thôn rồi Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Cao Bằng, về hưu năm 1972 và mất năm 1976. Đồng chí được tặng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Để tưởng nhớ công lao của người Bí thư Chi bộ Chí Kiên, ngày 05 tháng 10 năm 2009, HĐND tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 16/2009/NQ-HĐND về việc đặt tên đường, công trình công cộng và điều chỉnh độ dài một số đường thuộc địa bàn thị xã Bắc Kạn, trong đó đặt tên đường Dương Mạc Hiếu với điểm đầu đường từ ngã tư cầu Cạn; điểm cuối: đường Kon Tum; chiều dài 627m; chiều rộng 30m.

Liệt sĩ Đồng Văn Bằng (1922-1944)

Tên thật là Đồng Văn Hàm, bí danh Thành Tâm, sinh năm 1922 tại xóm Nà Pán nay thuộc thôn Bản Luộc, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, tham gia cách mạng năm 1942. Tháng 3 âm lịch năm 1943, đồng chí được cử lên Tam Kim, Nguyên Bình dự lớp huấn luyện 5 ngày. Sau khi được kết nạp vào Chi bộ Chí Kiên, tháng 10/1943, đồng chí được cử làm Chủ nhiệm Ban Chấp hành Việt Minh tổng Chí Kiên. Tháng 01/1944, Tỉnh bộ Việt Minh Bắc Kạn được thành lập gồm ba người: Đồng Văn Bằng, Doanh Hằng và Nông Công Tú, đồng chí tiếp tục là Chủ nhiệm. Cũng trong năm 1944, hoạt động khủng bố của địch đã gây nhiều tổn thất cho cách mạng. Hậu quả, khiến 9 cán bộ, đảng viên hy sinh, gần 200 người bị tù đày và hy sinh trong tù, hàng nghìn quần chúng bị cướp bóc, tra tấn và dồn vào các trại tập trung hòng tách khỏi sự lãnh đạo của cán bộ cách mạng.

Trong đó, theo hồ sơ liệt sĩ, đồng chí Đồng Văn Bằng, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh bị giặc sát hại vào ngày 18/3/1944. Hồi ký “Con đường Nam tiến” của ông Nông Văn Quang kể: “Năm 1944, đồng chí Đồng Văn Hàm (Bằng) hy sinh ở Quan Làng, xã Bằng Đức (nay thuộc xã Đức Vân). Hôm đó, đồng chí cùng đồng chí Dương Mạc Thạch, Tỉnh ủy viên, Ban liên tỉnh Cao - Bắc – Lạng đi công tác, đến đây bị một tên phản bội lẻn ra phố báo tri châu Ngân Sơn. Chúng lập tức tập trung lính đồn và lính dõng bao vây nơi làm việc của hai đồng chí. Trời xâm xẩm tối, tiếng chó sủa ầm ĩ, bọn chúng đã đến vây kín bốn phía. Trong giây phút nguy kịch, hai đồng chí và người nhà cơ sở phải lao ra giữa đường đạn. Cả hai người đều đã lọt tới bờ suối an toàn. Đồng chí Bằng vượt qua suối, lên chân núi Phja Bả nhưng vừa lên khỏi nương ngô thì bị trúng đạn”.

Ngày 03/11/1958, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số: 483/TTg tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Đồng Văn Bằng. Trong khoảng thời gian này, xã Thượng Ân được đổi tên thành xã Thành Tâm theo bí danh để tưởng nhớ công lao của đồng chí, đến ngày 12/5/1964, khi Bộ Nội vụ ra Quyết định số 150-NV về việc sửa đổi tên một số xã của tỉnh Bắc Kạn, xã Thành Tâm trở lại tên cũ Thượng Ân như ngày nay.

Đồng chí Doanh Hằng (1925-2012)

Lễ khánh thành bia Di tích lịch sử Chi bộ Chí Kiên năm 1995 tại Coỏng Tát, Bản Duồm, xã Thượng Ân, đồng chí Doanh Hằng đứng hàng đầu, thứ nhất từ trái sang.Lễ khánh thành bia Di tích lịch sử Chi bộ Chí Kiên năm 1995 tại Coỏng Tát, Bản Duồm, xã Thượng Ân, đồng chí Doanh Hằng đứng hàng đầu, thứ nhất từ trái sang.

Đồng chí Doanh Hằng (tên thật là Dinh Thăng Hỷ), sinh năm 1925 tại Nà Bưa, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn. Tham gia cách mạng tháng 5/1942, từ tháng 5/1943 đồng chí gia nhập đoàn cán bộ Nam tiến. Tháng 11/1943 đồng chí là Chủ nhiệm Việt Minh châu Lương Ngọc Quyến (Ngân Sơn). Ngày 22/01/1944 đồng chí đi dự Hội nghị tổng kết công tác Nam tiến năm 1943 tại Nguyên Bình, được đồng chí Văn chỉ định làm ủy viên Ban Cán sự tỉnh Chu Trinh (Bắc Kạn).

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí đã tổ chức đưa thư kêu gọi của đồng chí Văn đến đồn Ngân Sơn, buộc đồn trưởng Đờ Đông đến đầu hàng Việt Minh tại xã Cốc Đán ngày 21/3/1945. Trong tháng 4 và 5/1945 đồng chí đã lãnh đạo thành lập chính quyền các xã và củng cố lại lực lượng chiến đấu, cùng bộ đội giải phóng đánh phát xít Nhật từ đèo Giàng đến ngã ba Nà Phặc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban hành chính (UBHC) tỉnh; Đại đội trưởng bộ đội cảnh vệ tỉnh, Chính trị viên Tỉnh đội dân quân Bắc Kạn; Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Ngân Sơn. Sau này, đồng chí giữ nhiều chức vụ như: Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBHC tỉnh Bắc Kạn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái, đại biểu Quốc hội các khóa IV, VI, VII.

Ghi nhận những cống hiến cho cách mạng, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng đồng chí: Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến, Bằng Có công với nước, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Do tuổi cao và lâm bệnh nặng, mặc dù được các y bác sĩ cùng gia đình tận tình cứu chữa nhưng đồng chí Doanh Hằng đã từ trần hồi 21 giờ 20 phút ngày 21/7/2012, hưởng thọ 88 tuổi./.

Kim Kim

Xem thêm

Video

Đọc báo in