Nhà thơ Nông Quốc Chấn: Người dân tộc thiểu số đầu tiên mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca

BBK - Nhà thơ Nông Quốc Chấn tên thật là Nông Văn Quỳnh, sinh năm 1923, là người con của dân tộc Tày, ở xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn. Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca, đồng thời cũng là người đặt "viên gạch" đầu tiên cho văn học Bắc Kạn.

Lần đầu tiên, tôi biết đến nhà thơ Nông Quốc Chấn qua những trích đoạn trong bài thơ “Dọn về làng”. Đây là một trong những sáng tác rất nổi tiếng về mảng đề tài chiến tranh cách mạng. Theo những vần thơ như có lửa ấy, tôi đã tìm đọc và không khỏi xúc động, tự hào và kính trọng ông - người con ưu tú của núi rừng Bắc Kạn.

Trong quá trình tìm hiểu, tôi đã đến gặp nhà văn Nông Viết Toại, em trai ruột của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Ông Toại năm nay đã 98 tuổi, mắt đã mờ, khi đi phải chống gậy, nhưng khi nhắc đến tên Nông Quốc Chấn, ông như trở về những ngày rất xa xưa, kể lại rõ ràng, ấm áp: “Tinh thần hiếu học của anh Chấn có lẽ được truyền từ đời cha (là ông Nông Ích Mèo). Từ ngày bé, cha tôi nghèo không có tiền đi học nên đã địu em đi nghe giảng bài ké. Ông cụ rất cố gắng, tự học. Biết nhiều chữ Nho, chữ Nôm Tày. Sau này, cha tôi dạy học và làm thầy Tào chăm lo việc cúng tế cho cộng đồng. Nhà tôi có 4 anh em, chúng tôi đều được dạy về tinh thần yêu lao động, chăm chỉ học hành. Năm 1944 cha tôi mất, mẹ tôi một mình tần tảo nuôi con, dẫu nhiều khó khăn vất vả nhưng chúng tôi đều được học chữ".

Theo lời kể của ông Nông Viết Toại, ông Nông Quốc Chấn từ nhỏ đã điềm đạm, chăm chỉ học tập, theo học các lớp đều được thầy yêu quý, khen thông minh. Sau này ông đi theo cách mạng, ông Toại cũng theo gương anh trai tham gia hoạt động, rồi sáng tác văn chương.

Ký ức của ông Toại với ông Chấn chỉ khoảng chừng 10 năm tuổi thơ lớn lên bên nhau. Khi tham gia công tác, bận rộn thường xuyên, gặp nhau là tranh thủ hỏi han, trò chuyện. Khi lắng nghe những trăn trở của em, ông Chấn thường động viên, khích lệ. Mỗi khi cuộc sống gặp trắc trở, ông Toại vẫn nhớ như in lời anh dặn: “Có khó khăn phải luôn lạc quan, nhìn về phía trước, không được bỏ cuộc, dù vậy phải hết sức tránh việc chủ quan, nhắm mắt làm mà không nghĩ đến hậu quả”. Có lẽ với tinh thần như thế ông Chấn làm gì cũng suy tính rất nhiều, nhưng đã quyết là làm, nỗ lực hết sức. Ông Chấn không phải là người nói nhiều, ông cảm nhận mọi thứ xung quanh và viết thành thơ, bày tỏ quan điểm cũng thông qua văn học.

Nhắc về nhà thơ Nông Quốc Chấn có thể kể ra rất nhiều sáng tác ở các tập thơ đã được xuất bản: “Tiếng ca người Việt Bắc” (1959), “Người núi Hoa” (1961), “Đèo Gió” (1968), “Bài thơ Pác Bó” (1971), “Suối và biển” (1984)... Đặc biệt là những tác phẩm viết bằng tiếng Tày của ông được những người làm văn hóa, văn học nghệ thuật và Nhân dân các tỉnh trong khu Việt Bắc yêu thích, như “Việt Bắc tức slấc”, “Tiểng lượn cần Việt Bắc”, “Cần Phja Bjoóc”, “Dám kha Pác Bó”... Thơ ông viết về những đề tài mang tính cụ thể mà bao quát, thời sự mà lâu dài tầm thời đại; những sự việc, con người gần gũi, bình dị, từ người du kích dân tộc quê hương ông, người chiến sĩ vệ quốc đoàn trong đội quân của Cụ Hồ: “Bộ đội Ông Cụ”, “Việt Bắc tức slấc” (Việt Bắc đánh giặc), “Cần Phja Bjoóc” (Người Núi Hoa), “ Đèo Gió”…

Cùng với tác phẩm “Dọn về làng”, bài thơ “Khâu áo” cũng được rất nhiều người nhớ đến, vẫn thường ngâm nga:

“Khi nghe gió thổi qua “Phja Bjoóc”

Em biết mùa thu đã hết rồi.”

Những câu thơ vừa bâng khuâng, vừa mềm mại khiến người đọc cứ ngỡ như viết về một câu chuyện tình yêu. Nhưng lời thơ tiếp theo đã mở ra một tình yêu rộng hơn, bao quát hơn và cũng ý nghĩa hơn rất nhiều: “Sáng dậy mái nhà sương muối buốt/ Thương anh bộ đội vượt rừng đồi”. Từ đây, lời thơ da diết yêu thương, đưa người đọc về thời gian khó khăn, bom đạn nhưng đồng bào dân tộc vẫn hết lòng yêu nước. Lời thơ giản dị, chân phương, chạm dần đến trái tim độc giả, vừa chan chứa yêu thương, lại vừa hướng đến chân trời tương lại rộng mở:

“Các anh chiến sĩ của Nhân dân!

Hãy nhận với em áo ấm thân.

Đánh giặc có sờn, em vá lại!

Hết mùa đông lạnh sẽ sang xuân!”

Căn nhà của Nhà thơ Nông Quốc Chấn tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn.

Căn nhà của Nhà thơ Nông Quốc Chấn tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn.

Chúng tôi đến thăm nhà của Nhà thơ Nông Quốc Chấn ở vùng quê cách mạng xã Cốc Đán vào một ngày mùa thu. Đón chúng tôi, bà Nông Thị Quân, cháu dâu ông Nông Quốc Chấn cho hay: “Khi tôi về làm dâu, ông Chấn công tác ở Hà Nội. Ông bận rộn như thế mà lễ, Tết, ngày rằm hoặc có thời gian là về thăm quê. Ông hỏi han mọi việc, động viên, hỗ trợ các cháu ăn học. Chồng tôi vẫn hay kể rằng ông Chấn từ xưa đã rất vất vả, trải qua nhiều khó khăn. Sau này đi làm cán bộ to nhưng mỗi khi về làng là lại thân mật, nói chuyện bằng tiếng Tày…

Ngày 18/11/2023 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923-2023). Dù ông đã đi xa được 20 năm, nhưng vẫn để lại tiếng thơm, di sản về văn hóa và thơ cho đời nay. Là tấm gương sáng về tinh thần lao động hăng say, quên mình trong mọi hoàn cảnh. Nhà thơ Nông Quốc Chấn mãi là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Tày và người dân Bắc Kạn ngày hôm nay.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Giác ngộ cách mạng từ sớm, ông đã từng tham gia Mặt trận Việt Minh, tham gia du kích và Giải phóng quân trước tháng 8/1945. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông vẫn tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, tham gia Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn và bắt đầu hoạt động văn hóa văn nghệ. Sau năm 1954, ông tham gia Khu ủy Việt Bắc. Ông là Đại biểu Quốc hội khoá II, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khu tự trị Việt Bắc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên rồi Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Từ năm 1964, ông là Thứ trưởng Bộ Văn hoá kiêm Hiệu trưởng Đại học Văn hoá, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, Chủ tịch Hội Văn hoá Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Toàn cảnh sự kiện và dư luận.

Những giải thưởng tiêu biểu của Nhà thơ Nông Quốc Chấn

Giải thưởng Văn học bài thơ "Dọn về làng" tại Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới ở Berlin, 1951.

Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam, 1954.

Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, 1958.

Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II, năm 2000.

Xem thêm

Video

Đọc báo in