Người dân không nên hoang mang trước thông tin nhiều người bệnh nhập viện

BBK - Trước tình trạng nhiều người bệnh ở xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn phải nhập viện với các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu. Các cơ quan chức năng, địa phương khuyến cáo người dân không nên hoang mang và cần chủ động các biện pháp phòng bệnh, tránh để bệnh lây lan.

367777-2457.jpg
Đến nay, không có trường hợp nguy kịch, nhiều học sinh đã ổn định và đang được điều trị hồi sức.

Theo đó, đến 9h sáng 21/9, đã có hơn 70 người có triệu chứng nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu (đều là học sinh, cán bộ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn), trong đó 54 người đã phải nhập viện. Hiện ngành Y tế đang tích cực điều trị các trường hợp bị bệnh, đến sáng 21/9 không có trường hợp nào nguy kịch, một số người còn sốt, đau đầu, đau bụng, còn lại đã ổn định và đang được điều trị hồi sức.

Cháu Hoàng Yến L, học sinh lớp 5B Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn kể: "Hôm trước cháu ăn gà chiên, rau dưa, khoai tây xào hành, 01 miếng dưa hấu. Sáng hôm sau (ngày 20/9) cháu thấy mệt, sốt, đau bụng, tiêu chảy".

Ngay sau khi nhiều học sinh có biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, ngành Y tế, địa phương đã đưa các em đi cấp cứu; tiến hành phun sát khuẩn, khử trùng, vệ sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nông Thượng cùng khu vực xung quanh.

75555-8272.jpg
Lãnh đạo Sở Y tế thăm các cháu học sinh đang điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn.

Dù chưa công bố dịch bệnh, nhưng các trường hợp bị bệnh được điều trị, chữa bệnh ở khu phòng chống nhiễm khuẩn, chăm sóc riêng như phòng bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn.

Hiện UBND thành phố Bắc Kạn chỉ đạo các phòng chức năng xác định nguyên nhân đồng thời tiến hành các biện pháp phòng bệnh, tránh để bệnh lây lan; tiếp tục theo dõi các trường hợp, gia đình có người bị bệnh xem có thêm người bị nhiễm mới không hoặc có lây lan ra cộng đồng hay không, để có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Yêu cầu các phòng chuyên môn, địa phương chuẩn bị đủ vật tư, hóa chất sẵn sàng cho công tác phòng bệnh. Phòng Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào tình hình phát triển thực tế của bệnh (số người nhiễm bệnh), xem xét cho học sinh nghỉ học khi cần thiết để phòng và điều trị bệnh...

_DSC1009.JPG
Địa phương khẩn trương chỉ đạo các phòng chức năng xác định nguyên nhân bị bệnh và các biện pháp phòng bệnh tại cơ sở...

Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân và học sinh hạn chế tụ tập đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp với người có biểu hiện bị bệnh; thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ...

Tuyên truyền và vận động người dân hiểu tình hình thực tế, không hoang mang, lo lắng quá mức nhưng đồng thời cũng không được chủ quan trong công tác phòng bệnh, qua đó góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, tránh được tình trạng bệnh lây lan cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in