Ngày làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

BBK - Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

e6.jpg

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương với 65 điều, bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.

Tại phiên họp, cơ bản các ý kiến đại biểu nhất trí với các nội dung dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với một số nội dung lớn của dự thảo Luật như: Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; lưu trữ tài liệu điện tử; hoạt động dịch vụ lưu trữ; bổ sung quy định về ngày lưu trữ Việt Nam; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, giải trình chi tiết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với tinh thần xây dựng dự thảo luật với chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Tổ về 02 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại Tổ.

Cơ bản ý kiến các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành 02 dự án Luật để phù hợp với tình hình thực tiễn và khắc phục những vướng mắc trong tổ chức thực hiện luật hiện hành.

Tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Tại Điều 3 về giải thích từ ngữ đề nghị cần rà soát, nghiên cứu giải thích các khái niệm rõ ràng, cụ thể, chính xác hơn để có cách hiểu thống nhất và thuận lợi khi áp dụng Luật. Đặc biệt liên quan đến khái niệm “dao có tính sát thương cao” cần phải có cách hiểu thấu đáo, rõ ràng và có danh mục kèm theo để đại biểu Quốc hội biết. Liên quan đến nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ tại Điều 4, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị quy định rõ “cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép” tại khoản 6; đồng thời đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc cho phép” cho đầy đủ.

Tại khoản 2 Điều 6 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ có dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 7 quy định về điều kiện của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc dẫn chiếu như vậy là chưa đầy đủ. Bởi lẽ, khoản 2 Điều 7 quy định về trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Do đó, đề nghị sửa thành: “Chỉ được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho người có đủ điều kiện quy định tại Điều 7 của Luật này” cho đầy đủ…

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã thông tin đến các vị đại biểu Quốc hội nhiều nội dung liên quan đến 02 dự thảo Luật và đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham gia góp ý hoàn thiện dự án Luật để cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Theo chương trình kỳ họp, 02 dự án Luật sẽ được trình Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp này./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in