Tự hào là nơi thành lập Chi bộ Chí Kiên, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thượng Ân (Ngân Sơn) không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn.
Một góc Bản Duồm, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn. |
Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp trở lại thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, nơi thành lập Chi bộ Chí Kiên (22/9/1943 22/9/2020), Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, cảm nhận rõ sự thay da, đổi thịt ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Đó là trụ sở UBND xã đã được xây dựng khang trang hơn; cơ sở hạ tầng và các công trình thiết yếu phục vụ đời sống người dân được đầu tư; hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp từng bước hoàn thiện; những con đường giao thông nông thôn mới... Giờ đây, đời sống người dân xã Thượng Ân đã được nâng lên.
Cách đây 77 năm, đêm 22/9/1943, dưới chân thác nước tại khu ruộng Coỏng Tát, thôn Bản Duồm, đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp), đồng chí Nghĩa (tức đồng chí Dương Mạc Hiếu) đã tổ chức kết nạp những đội viên trung kiên vào Đảng Cộng sản Đông Dương gồm: Đồng chí Thành Tâm (tức Đồng Văn Bằng) và đồng chí Đông Sơn (tức Doanh Hằng). Thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đội xung phong Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng của tổng Bằng Đức, huyện Ngân Sơn gồm 3 đồng chí; đồng chí Dương Mạc Hiếu làm Bí thư chi bộ. Chi bộ vinh dự được mang tên đồng chí Phùng Chí Kiên - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tại thôn Khau Pàn, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn năm 1941.
Chi bộ Chí Kiên được thành lập là sự kiện quan trọng thể hiện sự đúng đắn của đường lối cách mạng, đường lối giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của Đảng; sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng của huyện Ngân Sơn và toàn tỉnh Bắc Kạn. Từ đây, phong trào cách mạng của địa phương đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và sự lớn mạnh của Đảng bộ huyện.
Đảng bộ xã Thượng Ân hiện có trên 200 đảng viên, sinh hoạt ở 19 chi bộ. Đảng ủy xã thường xuyên tổ chức quán triệt các nghị quyết của Đảng đến từng chi bộ, đảng viên, tạo tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.
Là một trong những người từng được gặp Bác Hồ và là em trai của một trong ba đồng chí đảng viên đầu tiên của Chi bộ Chí Kiên, ông Doanh Thăng Khảo- nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn vẫn nhớ rõ những ngày tháng hoạt động cách mạng nhiều gian khó. Ông cho biết: "Từ khi cách mạng thành công đến giờ, đời sống người dân nơi đây đã thay đổi rất lớn, từ học hành, đường sá đi lại, khám chữa bệnh... đều phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện. Tôi mong muốn rằng, trong thời gian tới, các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn tới Thượng Ân, nhất là hệ thống đường giao thông cần được nâng cấp hơn nữa để mọi người có thể đến với nơi đây thuận lợi, xứng tầm với ý nghĩa lịch sử, cách mạng...".
Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ các cấp, Đảng bộ xã Thượng Ân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông lâm nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân mỗi năm đạt 1.570 tấn; bình quân lương thực đạt 743kg/người/năm. Đến nay, xã có 30% đường giao thông nông thôn, đường liên thôn được cứng hóa đạt chuẩn; Xây mới được 5 nhà họp thôn bằng nguồn vốn xã hội hóa; trên 80% diện tích đất canh tác chủ động nước tưới tiêu; trên 74% tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…
Đồng chí Hà Sỹ Thắng– Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn cho biết: Đảng bộ xã Thượng Ân đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân; phát huy truyền thống lịch sử, tri ân những công lao, đóng góp của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo, đảng viên đầu tiên trong công cuộc xây dựng, phát triển xã Thượng Ân nói riêng và quê hương Ngân Sơn nói chung. Với sự quan tâm của tỉnh, của huyện, khu di tích lịch sử Bản Duồm đã được đầu tư. Tuy nhiên, để xứng đáng với ý nghĩa lịch sử, cách mạng, mong muốn trong thời gian tới, tỉnh hỗ trợ địa phương trong việc mở rộng di tích khang trang và thuận lợi cho người dân đến thăm, tìm hiểu về truyền thống cách mạng địa phương...
Trao đổi tại Lễ kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay di tích Bản Duồm- nơi thành lập Chi bộ Chí Kiên vẫn chưa phát huy rõ vai trò, xứng tầm giá trị lịch sử. Do đó, tỉnh, địa phương cần quan tâm hơn tới việc bảo vệ, nâng cấp di tích, để Thượng Ân sẽ trở thành nơi về nguồn của cán bộ, đảng viên trong thời gian tới đây./.
Duy Khánh