Để nâng cao hiệu quả việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc Quyết định số 296-QĐ/TW, ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về mẫu dấu của tổ chức đảng; Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu; Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW, ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Ban Tổ chức Trung ương về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức đảng; Quy định số 693-QĐ/VPTW, ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về công tác văn thư trong các cơ quan, tổ chức đảng. Công tác quản lý, sử dụng con dấu theo thẩm quyền; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng con dấu.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao con dấu của Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh cho Văn phòng Tỉnh ủy quản lý và sử dụng theo quy định. Quản lý con dấu, giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu chặt chẽ theo quyết định được phân công tại trụ sở cơ quan theo chế độ “Mật”, bảo quản an toàn trong tủ có khóa và sử dụng con dấu đúng quy định, không tự ý mang con dấu ra khỏi phòng làm việc của cơ quan khi chưa phép của lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy.
Trường hợp cần mang con dấu ra ngoài trụ sở để giải quyết công việc thì phải báo cáo lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Trường hợp con dấu bị mất, phải báo cáo ngay lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy để kịp thời báo cáo cho cơ quan công an nơi đặt trụ sở lập biên bản, làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm đối với người quản lý và sử dụng con dấu. Đồng thời, báo cáo cơ quan công an nơi đăng ký mẫu dấu biết để thông báo vô hiệu con dấu đó, làm thủ tục khắc con dấu mới theo quy định. Sau khi thông báo vô hiệu nếu tìm lại được con dấu cũ thì phải nộp cho cơ quan công an nơi đăng ký để hủy, không được phép sử dụng tiếp.
Đồng thời, quán triệt nghiêm cấm các hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng con dấu:
Làm giả con dấu, sử dụng con dấu giả.
Mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu.
Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng.
Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung mẫu con dấu đã đăng ký.
Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu.
Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động.
Chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu.
Sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu.
Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.
Đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền.
Không chấp hành việc kiểm tra con dấu, không xuất trình con dấu khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan đăng ký mẫu con dấu.
Lợi dụng nhiệm vụ được giao trong quá trình giải quyết thủ tục về con dấu để sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Đảng, nhà nước về quản lý và sử dụng con dấu, tùy theo mức độ và tính chất sẽ xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật hiện hành./.
Đinh Thị Đàn,Trưởng Phòng Hành chính, lưu trữ;
Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Kạn