Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930-01/8/2021):

Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Trần Thị Lộc- Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Trong tiến trình cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác tư tưởng giữ vị trí quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, góp phần căn bản quyết định những thắng lợi của phong trào cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác tư tưởng bao hàm phạm vi rộng, từ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đến tuyên truyền, cổ động, truyền bá hệ tư tưởng, nâng cao dân trí; tác động tới nhận thức, tình cảm, trí tuệ và điểm xuất phát trong công tác tư tưởng là lòng tin vào con người. Công tác tư tưởng là một trong những hoạt động quan trọng của công tác xây dựng Đảng, được xác định ở vị trí hàng đầu, nhằm tạo nên sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

 Trao cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020” của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Trao cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020” của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn.

Chặng đường 91 năm lịch sử, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức với phương châm "Tuyên giáo đi trước, mở đường", "Toàn Đảng làm công tác tư tưởng", công tác tuyên giáo của Đảng đã chứng minh vai trò to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, công tác tuyên giáo đã và đang phát huy vai trò, sức mạnh trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của công tác tư tưởng trong công tác xây dựng Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy luôn chủ động, tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Do vậy, công tác tuyên giáo của tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thể hiện nổi bật ở các nội dung sau:

Công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền các nghị quyết của Đảng được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc trong toàn tỉnh; đặc biệt đã tham mưu ban hành Đề án số 07-ĐA/TU về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quán triệt học tập và tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Ngoài việc duy trì hình thức học tập nghị quyết truyền thống, tỉnh tăng cường tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Đây là hình thức được cán bộ, đảng viên trong tỉnh đánh giá cao, vừa đảm bảo chất lượng nghe báo cáo viên Trung ương truyền đạt, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí cho địa phương, cơ sở.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Hằng tháng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đánh giá kết quả thực hiện và định hướng nội dung tuyên truyền tháng tới. Các cơ quan báo chí của tỉnh thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tích cực tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Tuyên truyền thông qua các chuyên trang, chuyên mục, tìm hiểu văn bản, chính sách mới… trên báo, tạp chí, bản tin nội bộ góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong Đảng và trong xã hội.

Công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Hội nghị báo cáo viên được duy trì nền nếp hằng tháng bằng các hình thức phù hợp. Ngoài nội dung theo quy định, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động mời lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành báo cáo chuyên đề theo các lĩnh vực chuyên sâu. Do vậy, chất lượng công tác tuyên truyền miệng đã được nâng lên, nội dung thông tin cập nhật phong phú, đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên. Hệ thống báo cáo viên trong tỉnh hiện có 1.714 đồng chí; trong đó có 4 báo cáo viên Trung ương, 38 cấp tỉnh, 241 cấp huyện và tương đương, 1.431 đồng chí tuyên truyền viên cấp cơ sở. Đội ngũ báo cáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng tuyên truyền. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền được phổ biến triển khai rộng rãi.

Công tác bảo vệ nền tảng chính trị tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch được Ban Chỉ đạo 35 các cấp kịp thời triển khai đồng bộ, tương đối toàn diện, hiệu quả. Các giải pháp đấu tranh như: Xây dựng các chuyên mục trên phương tiện thông tin đại chúng, trang, cổng thông tin điện tử của ngành, địa phương, các tài khoản mạng xã hội; ngăn chặn nhiều tài liệu có thông tin xấu; phá các tài khoản phản động. Tổ chức tập huấn cho thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, cộng tác viên dư luận xã hội và cán bộ tuyên giáo trong toàn tỉnh, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, cung cấp kiến thức đấu tranh phản bác các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; định hướng tư tưởng, công tác tuyên truyền, góp phần giữ vững an ninh tư tưởng trên địa bàn. Xây dựng, duy trì và quản lý tốt các trang fanpage, cập nhật tin tức chính thống mới nhất, các bài viết sai trái, phản động; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt…, thu hút hàng ngàn người bình luận, theo dõi.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy đã chỉ đạo thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Tổ chức cuộc thi thuyết trình thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; hội thảo chuyên đề cấp tỉnh “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)... Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, các cấp ủy đảng đã đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu và xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp ở từng địa phương cơ quan, đơn vị. Toàn tỉnh có 60 chi, đảng bộ thực hiện nghi thức chào cờ đầu tuần với gần 400 buổi; 40 chi, đảng bộ lập sổ ghi danh “Người tốt – Việc tốt”, qua đó đã ghi danh 82 tập thể, 1.058 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Dịp sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, có 25 tập thể, 19 cá nhân điển hình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và 02 tập thể, 03 cá nhân điển hình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Triển khai Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi tổ chức đảng và đảng viên.

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn, đôn đốc Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị cấp huyện thực hiện nghiêm kế hoạch mở lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh mở được 69 lớp với 4.651 học viên; xác nhận trình độ tương đương sơ cấp lý luận chính trị cho 611 người đủ điều kiện theo quy định. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức thông qua tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi. Năm 2018 đã tổ chức tốt hội thi và lựa chọn 02 giảng viên xuất sắc tham dự hội thi khu vực miền Bắc, 01 thí sinh đạt giải Khuyến khích.

Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện hằng năm. Từ năm 2019 đến nay đã thực hiện tổng kết, nghiên cứu 08 lĩnh vực về kinh tế, xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh và đạt kết quả bước đầu. Những giải pháp kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai từ thực tiễn đã tạo sự thống nhất về nhận thức tư tưởng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng được chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã biên soạn, xuất bản 145 ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống, biên niên những sự kiện lịch sử, trong đó có 21 cuốn lịch sử cấp tỉnh, 37 cấp huyện và 87 cấp xã đạt hiệu quả, nhằm phục vụ công tác định hướng tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử truyền thống, tổng kết bài học kinh nghiệm lịch sử, khái quát lý luận cung cấp luận cứ cho hoạch định chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo (tuyên huấn, công tác chính trị) các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã kiện toàn đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, ban hành quy chế hoạt động; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu, dư luận xã hội. Hoạt động thông tin dư luận xã hội phản ánh được duy trì nền nếp hằng tháng từ cấp tỉnh đến cấp huyện; đội ngũ cộng tác viên đã phản ánh những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, về hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh. Làm tốt công tác theo dõi, tổng hợp thông tin báo chí viết về Bắc Kạn, kịp thời báo cáo cấp ủy về những vấn đề nhạy cảm báo chí phản ánh. Qua đó, giúp cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, góp phần quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên giáo trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh hiệu quả chưa cao; công tác rà soát, quản lý các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở còn bất cập, tồn tại và chất lượng một số chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nơi, có thời điểm chưa kịp thời.

Trong thời gian tới, công tác tuyên giáo tập trung xác định làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Một là, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đặc biệt hướng về cơ sở, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, nhạy bén, kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Hai là, tăng cường công tác đấu tranh, xử lý, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Ba là, nắm chắc tình hình tư tưởng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh ngay từ cơ sở; biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; tập trung tổ chức tốt việc quán triệt, học tập chuyên đề và đăng ký làm theo Bác; nhân rộng, tuyên truyền sâu rộng mô hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Năm là, quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tạo điều kiện về trang thiết bị làm việc, động viên khen thưởng kịp thời, tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ tuyên giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2021), phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, mỗi cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên giáo phải là chiến sĩ xung kích đi đầu trên mặt trận tư tưởng, có bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng và tâm huyết với nghề; cần thường xuyên học tập, rèn luyện để trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể, đủ trí tuệ lựa chọn các vấn đề có sức thuyết phục. Công tác tuyên giáo của tỉnh Bắc Kạn phải đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung, phù hợp với công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển vượt bậc như hiện nay; phát huy vai trò chủ động khai thác lực lượng của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện một cách đồng bộ và nâng cao hiệu quả; ứng phó nhạy bén với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, tạo sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội, đáp ứng với niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Kạn giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in