Nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công

BBK - Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 của tỉnh Bắc Kạn đạt 42,44 điểm, thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 63 tỉnh, thành phố.
Các TTHC được tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Các TTHC được tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Chỉ số PAPI đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Đây chính là thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong thực thi chính sách ở cơ sở.

PAPI năm 2022 tiếp tục đo lường 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Thông qua 8 chỉ số lĩnh vực nội dung và 29 chỉ số nội dung thành phần, dữ liệu và thông tin này được coi như bức tranh thực tế về hiệu quả của chính quyền tỉnh trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân, giúp các cấp soi chiếu lại hoạt động trong một năm.

Năm 2021, Chỉ số PAPI của Bắc Kạn được xếp vào nhóm trung bình thấp, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố; năm 2022 tăng 4 bậc, vươn lên thứ hạng 30 trên toàn quốc. Với tổng điểm 42,44 điểm, tăng 0,28 điểm so với năm 2021, Bắc Kạn hiện nằm trong nhóm có điểm số trung bình cao (16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm này).

Điều này thể hiện sự quyết tâm cải thiện, nâng cao các nội dung thành phần PAPI của chính quyền địa phương trong năm qua. Đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công về y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập, đầu tư cơ sở hạ tầng căn bản, đảm bảo an ninh trật tự khu dân cư; tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân; kiểm soát, phòng chống tham nhũng; hỗ trợ tư pháp cho công dân...

Nhờ đó, năm 2022, trong 8 chỉ số nội dung của Bắc Kạn có 04 chỉ số tăng điểm, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; thủ tục hành chính công; quản trị điện tử. 01 chỉ số giữ nguyên và 03 chỉ số nội dung giảm điểm.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Kạn, Chỉ số PAPI mặc dù được cải thiện đáng kể, song một số nội dung thành phần so với điểm tối đa vẫn đạt thấp, như: Tri thức công dân; đóng góp tự nguyện; tiếp cận thông tin; giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; chất lượng nước; nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; phúc đáp qua cổng thông tin điện tử.

Thực tế khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn nội dung Chỉ số PAPI nghiên cứu và công bố liên quan đến những vấn đề cụ thể gắn với đời sống của người dân ở cơ sở. Trong đó, có trên 75% nội dung liên quan đến trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn. Do vậy, để cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh trước hết phải cải thiện từ chính chất lượng hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ cấp xã cần nhận thức sâu sắc về Chỉ số PAPI, đánh giá những nội dung đã đạt được, nội dung chưa làm được, để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ.

Những nội dung liên quan đến ý thức của người dân, tri thức, trình độ sử dụng công nghệ thông tin để ứng dụng thực hiện các thủ tục hành chính... cần thời gian để tạo sự chuyển biến rõ nét. Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị của người dân; thực hiện giải đáp, xử lý kịp thời, đúng quy định; hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính...

Dữ liệu PAPI được coi như “mỏ vàng”, chứa thông tin hữu ích phục vụ cho nghiên cứu và vận động đổi mới chính sách. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có thể tìm kiếm và áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, để người dân tin tưởng hơn vào chính quyền và cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in