Dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành liên quan.
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước với mức độ, phạm vi ảnh hưởng lớn như: Rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; nắng nóng tại Nam bộ đã thiết lập kỷ lục mới… đặt ra nhiều thách thức lớn trong công tác phòng, chống thiên tai. Từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính gần 400 tỷ đồng.
Dự báo thời tiết diễn biến phức tạp từ nay đến các tháng cuối năm. Các hiện tượng nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh tiếp tục xảy trên phạm vi rộng, khó lường với cường độ khó đoán…
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống thiên tai như: Công tác dự tính, dự báo, ứng phó thiên tai chưa kịp thời; khó khăn trong việc tìm các vị trí, bãi đổ đất đá sạt trượt; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN hạn chế; tai nạn trên biển gia tăng…
Các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung như: Ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng cho công tác dự tính, dự báo thiên tai; quan tâm hệ thống thoát lũ, xây dựng khu tái định cư cho người dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét; quan tâm vấn đề an toàn hồ đập; tăng kinh phí cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là lực lượng cứu nạn trên biển; rà soát, bố trí và công bố các điểm đổ thải…
Đối với tỉnh Bắc Kạn, những tháng đầu năm 2024, diễn biến thiên tai rất phức tạp, không khí lạnh tăng cường, xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại. Đặc biệt từ tháng 4 đến đầu tháng 5 đã xuất hiện các đợt mưa dông, tố lốc trên diện rộng làm ảnh hưởng, hư hỏng hơn 1.700 nhà ở của người dân; trên 560ha hoa màu và cây trồng bị thiệt hại và các công trình, tài sản khác.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng một số hiện tượng thời tiết diễn biến chưa có tiền lệ, vì vậy phải hết sức đề phòng, chủ động, trước hết là nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo từ xa, từ sớm. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, tận dụng ưu thế mạng xã hội để cập nhật, đưa thông tin cảnh báo sớm. Tăng cường kiểm tra giám sát, tính toán, rà soát lại kịch bản, chủ động hơn trong mọi tình huống. Hoàn thiện các cơ chế chính sách, văn bản pháp luật để có sự điều chỉnh kịp thời. Huy động tốt mọi nguồn lực, đặc biệt là từ ngoài ngân sách để khắc phục sự cố, thiệt hại thiên tai. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo chuyên môn phù hợp với đặc điểm tình hình thời tiết của Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng để nâng cao chất lượng che phủ rừng, đồng thời tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết…/.